Tình nghèo
Ngày còn trẻ, ông Hà Xuân Dú và bà Lý Ái Khằm (cùng 77 tuổi) làm việc tại một nông trường chè của tỉnh Thái Nguyên. Giữa hàng trăm công nhân trẻ, ông bà tìm thấy nhau bởi những lý do đặc biệt.
Thời điểm ấy, ông Dú tự nhận mình đứng tuổi nên không dám quen biết các cô gái tuổi 16-17 làm việc cùng nông trường. Trong khi đó, bà Khằm lại sớm có cảm tình với người đàn ông điển trai, hiền hậu.
Như duyên tiền định, ông bà phải lòng nhau sau những ngày cùng hái chè, đào hầm cá nhân tránh máy bay địch. Tình yêu bình dị của ông bà lớn dần dù được nuôi dưỡng trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm.
Tại chương trình Tình trăm năm tập 188, bà Khằm kể: “Ở nông trường, chúng tôi vừa hái chè vừa tranh thủ đào hầm trú ẩn. Mỗi khi máy bay địch bắn phá, chúng tôi phải nhảy xuống hầm. Máy bay địch đi, chúng tôi lại lên làm việc.
Yêu nhau trong nông trường, giữa hoàn cảnh chiến tranh, chúng tôi không có nhiều thời gian hẹn hò lãng mạn như thanh niên bây giờ. Dẫu vậy, khi đã thương nhau, chúng tôi xác định sẽ cưới và cùng vượt qua khó khăn”.
Sau một năm quen biết, yêu thương, ông bà làm đám cưới. Hoàn cảnh khó khăn, cả hai quyết định tổ chức tiệc cưới theo kiểu có gì đãi nấy.
Trước khi kết hôn, ông bà cố gắng trồng lấy ít rau, nuôi con lợn, đàn gà… Hôm đãi tiệc, gia đình ông bà hái rau trong vườn, bắt gà, mổ lợn nhà nuôi để thết đãi quan viên, họ hàng.
“Chúng tôi là mối tình đầu của nhau. Thế nhưng đến khi cưới, vì nghèo quá mà cả hai không biết đến nhẫn, hoa, áo cưới gì cả. Làm lễ xong, tôi theo ông ấy về nhà thế là thành vợ thành chồng”, bà Khằm nói thêm.
Sau khi cưới, ông bà vẫn tiếp tục ở lại nông trường làm việc. Cưới nhau được một năm, ông bà sinh đứa con trai đầu lòng. Nhưng không may, vừa tròn một tháng tuổi, bé trai đã qua đời.
Không đầu hàng số phận, ông bà sinh thêm con với hy vọng có người để nương tựa lúc về già. Tuy vậy, liên tiếp 4 lần sinh con trai, ông bà chịu đủ 4 lần đau mất con.
Ông Dú kể: “Thời điểm ấy, chúng tôi khó khăn, thiếu thốn đến cùng cực. Ngày công của chúng tôi khi ấy chỉ có 7 hào rưỡi. Mỗi tháng, chúng tôi cũng chỉ được 18kg gạo. Thiếu thốn, vợ chồng phải ăn cơm độn khoai, bo bo…
Vốn đã nghèo khó nên khi sinh con, chúng tôi càng thêm thắt ngặt. Con sinh ra phải chịu cảnh uống nước gạo đun sôi thay sữa, ốm đau, bệnh tật không có thuốc thang.
Thế nên, 4 đứa con trai của tôi đều mất từ khi còn rất nhỏ. Có đứa mất khi mới được 1 tháng tuổi, có đứa nuôi được 2 năm cũng ra đi vì không có thuốc trị bệnh. May mắn là chúng tôi còn được 2 con gái”.
Hạnh phúc chưa trọn vẹn
Liên tiếp mất con, bà Khằm đau đớn như chết nửa đời người. Là trụ cột gia đình, ông Dú cố gắng bên cạnh, động viên, cùng bà vượt qua nỗi đau mất con. Cả hai cố gắng làm lụng để nuôi sống bản thân cùng 2 cô con gái.
Hòa bình, với mong ước có cuộc sống dễ thở hơn, vợ chồng ông Dú bán hết tài sản tích góp được ở quê vào TP.HCM mưu sinh. Tại đây, ông bà mua được căn chung cư với diện tích khiêm tốn làm nơi lập nghiệp.
Nơi đất khách, ông bà mưu sinh bằng nghề bán cháo lòng. Khi sức cùng lực kiệt, ông bà chuyển sang bán bánh canh.
Dẫu vậy, những nghiệt ngã cuộc đời vẫn không buông tha ông bà. Người con gái lớn của ông Dú sau khi lập gia đình bỗng nhiên phát bệnh thần kinh.
Mỗi khi lên cơn, chị như người mất trí, bỏ đi lang thang. Nhiều lần, ông Dú phải cùng con rể chạy tìm khắp nơi để đưa chị về nhà.
Không có việc làm ổn định, lại bệnh tật, chị phải mưu sinh bằng công việc bán vé số. Vì thế, chị cũng không giúp gì được cho bố mẹ. Trong khi đó, người con gái út của ông bà cũng đã lập gia đình, theo chồng lập nghiệp.
Không có con cái bên cạnh, dù đã 77 tuổi, ông bà chỉ biết nương tựa nhau. Cả hai cố gắng lấy việc bán bánh canh làm kế mưu sinh, trang trải tuổi già.
Mỗi ngày, cuộc sống của vợ chồng ông chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi đến từ công việc bán bánh canh trên vỉa hè. Đã thế, cách đây ít lâu, nhà ông bà bị kẻ trộm đột nhập.
Tên trộm lấy đi chiếc xe máy cũ rồi bỏ lại cho ông bà chiếc xe đạp rách nát cùng 3 củ khoai. Mất xe, công việc bán bánh canh của đôi vợ chồng già càng thêm vất vả.
Không còn xe đi lại, mỗi sáng bà Khằm phải dậy từ 5h để đi bộ đến chợ cách nhà nhiều kilomet chọn mua nguyên vật liệu nấu bánh canh. Bà mua xong, ông Dú đạp chiếc xe do kẻ trộm bỏ lại đến chở về nhà trước. Sau đó, ông mới quay ra chợ đón vợ.
Tại nhà, ông bà tỉ mẩn sơ chế nguyên liệu, nấu nước lèo bánh canh. Khoảng 14h, ông bà đẩy chiếc xe bánh canh ra hẻm ngồi bán trên vỉa hè. Tuổi già, sức yếu, mỗi ngày ông bà chỉ nấu, bán được vài ký bánh.
Tiền thu về từ công việc bán bánh canh chỉ đủ để ông bà mua nguyên liệu chuẩn bị cho ngày bán tiếp theo. Thế nên suốt nhiều năm qua, cuộc sống ông bà vẫn thắt ngặt dù lúc nào cũng đầu tắt mặt tối.
Bà Khằm tâm sự: “Suốt 54 năm qua, vợ chồng tôi chưa có một ngày nào sung sướng. Nhiều lúc tôi tủi thân lắm. Mỗi khi nghĩ đến việc cả đời lao tâm khổ tứ mà đến tuổi gần đất xa trời vẫn khổ sở, vất vả, tôi đau lòng đến rơi nước mắt”.
Thương vợ, suốt 54 năm qua, ông Dú luôn nhận việc nặng, phần thiệt thòi về mình. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều cố gắng vun vén, nhường nhịn, thương yêu bà Khằm để tình cảm vợ chồng không rạn vỡ.
Trong khi đó, sau những lần đau khổ vì mất con, bà Khằm chấp nhận cuộc sống của mình có những mất mát, khó khăn. Bà trở nên lạc quan, yêu đời dù cuộc đời bà cho đến lúc này vẫn chưa một lần có được hạnh phúc trọn vẹn.
Cuối chương trình, ông Dú bất ngờ gửi đến vợ lá thư tay đầy xúc động. Thư có đoạn: “Cuộc sống hiện tại ta có khó khăn. Vợ chồng mình cố gắng khắc phục và vượt qua. Mọi khó khăn hàng ngày sẽ bay đi mất. Cùng cố gắng để có được cuộc sống bình thường, bà nhé”.