Người thân nhận lại lọ đựng tro cốt của người đã khuất

Khi mẹ cô qua đời vào tháng 11 năm ngoái, Cecilia Chan, giáo sư công tác xã hội tại Đại học Hong Kong, đã quyết định hỏa táng và rải tro cốt của bà trong một khu vườn tưởng niệm. Hình thức này được biết đến với tên gọi địa phương là "an táng xanh".

Cô Chan cho rằng cách an táng này là một trong những sự lựa chọn thực tế nhất tại nơi đông đúc và đắt đỏ như Hong Kong. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn phổ biến, theo The Guardian.

"Theo truyền thống, chúng tôi muốn gìn giữ hài cốt của tổ tiên mình trong các nghĩa trang. Tại đó, chúng tôi có thể đến thăm viếng, cúng bái và thờ cúng. Chúng tôi rất tôn trọng truyền thống", ông Kwok Hoi Pong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp mai táng nói.

Wing Wong, 43 tuổi, đã đưa cha cô đến yên nghỉ tại Tsang Tsui Columbarium, một khu phức hợp rộng 4.800m2 đã đi vào hoạt động vào năm 2021. Gia đình cô đã chọn địa điểm đặt hài cốt này vì phong thủy tốt, đồng thời nói rằng mức phí ở đây tạm ổn.

"Cha tôi từng nói rằng ông ấy muốn nhìn ra biển. Vì vậy, chúng tôi đặt tro cốt ông hướng ra biển, và chúng tôi cảm thấy hài lòng vì đó là điều ông mong muốn", cô nói.

Toà nhà Shan Sum mới khai trương ở Hong Kong 

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 95% trường hợp tử vong được hoả táng. Các chuẩn mực xã hội thay đổi đã góp phần vào sự đổi thay này khỏi chôn cất truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, tại thành phố đông dân cư này, các gia đình có người mất phải chờ đợi rất lâu để có được một chỗ đặt tro cốt cho người thân. Để giải quyết vấn đền này, chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp, nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ, theo Indiatimes.

Toà nhà Shan Sum mới khai trương ở Hong Kong cung cấp nơi an nghỉ cuối cùng cho hàng nghìn người  tại một trong những thành phố đông dân nhất thế giới.

Với tiền sảnh được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng và trang trí bởi những chùm đèn xa hoa, tòa tháp 12 tầng có vẻ ngoài giống như khách sạn sang trọng.

Shan Sum là một toà tháp 12 tầng với khoảng 23.000 ô đựng bình tro cốt. Cơ sở mới nằm trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của chính quyền nhằm thu hút các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực coi sóc nơi an nghỉ của người đã khuất.

Tòa nhà hiện đại là tác phẩm của kiến trúc sư người Đức Ulrich Kirchhoff, 52 tuổi. Khi thiết kế, ông đã cố gắng mang các yếu tố thiên nhiên vào đây để tạo ra "cảm giác làng xóm".

Thiết kế của ông lấy cảm hứng từ nghĩa trang truyền thống của Trung Quốc nằm trên sườn núi. Tro cốt được cất giữ trong các ngăn có kích thước khác nhau, một số ngăn nhỏ có kích thước 26cm x 34cm.

Các ngăn xếp dọc theo các bức tường trong phòng có máy điều hoà nhiệt độ. Các phòng ở mỗi tầng được thiết kế đặc biệt để mang lại sự thân mật.

Giá thuê 1 vị trí trong toà nhà 12 tầng khá đắt đỏ. Nơi dành cho 2 người có giá 58.000 USD, trong khi gói cao cấp nhất, dành cho cả gia đình, có giá gần 3 triệu USD. Trong khi đó, thu nhập trung bình của hộ gia đình Hong Kong mỗi tháng khoảng 3.800 USD.