Muốn kéo dài giá ưu đãi vì tiến độ bị ảnh hưởng

Ngay khi mức giá ưu đãi cho điện gió được “khởi động”, nhiều ý kiến đã dự báo tình huống nhà đầu tư không kịp chạy tiến độ để dự án đi vào vận hành trước tháng 11/2021. Vết xe đổ giá ưu đãi điện mặt trời giờ đang tiếp tục với những dự án điện gió. (xem thêm tại đây).

Theo Quyết định 39, giá điện gió được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, đối với điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT); với điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT). Mức giá này được áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

{keywords}
Điện gió lo lỡ hẹn hưởng giá ưu đãi. Ảnh: L.Bằng

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp điện gió đã bắt đầu hoang mang khi tiến độ dự án điện gió bị trễ so với kế hoạch, trong khi mốc thời gian để hưởng giá bán ưu đãi chỉ còn hơn 1 năm nữa. Họ càng sốt ruột khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới làm tiến độ các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì thế, các doanh nghiệp đã kiến nghị kéo dài thời gian hưởng ưu đãi cho điện gió đến hết năm 2023. Bộ Công Thương cũng gửi các kiến nghị này lên Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện ổn định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023. Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh. Đồng thời, kiến nghị giao Bộ Công Thương tính toán, đề xuất giá mua điện gió mới áp dụng cho các dự án điện gió có ngày vận hành trong giai đoạn từ 1/11/2021-31/12/2023, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Tại Diễn đàn cấp cao năng lượng vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho rằng: Đến tháng 11/2021, điện gió cũng đã hết hạn hưởng ưu đãi giá 8,5 cent/kWh. Thông thường, một nhà máy điện mặt trời làm trong vòng 6-8 tháng tùy vào tiến độ giải tỏa, nhưng muốn làm nhà máy điện gió thì phải mất tới 1 năm làm thiết bị.

Vì thế, để chạy đua với hạn năm 2021, Trung Nam đã phải mua 57 cần cẩu siêu trường siêu rộng để chuẩn bị cho việc lắp đặt một loạt thiết bị trong năm 2021-2022-2023. Một số dự án nearshore của Trung Nam có công suất lên tới 2.700 MW, trước mắt sẽ lắp đặt 700 MW ở Trà Vinh. Tập đoàn này cũng phải mua 3 chiếc tàu chuyên dụng có giá trị gần 250 triệu USD. 

Lo ngại tiến độ không kịp, ông Nguyễn Tâm Tiến đề nghị: "Hãy giúp các nhà đầu tư có kiến nghị với Chính phủ kéo dài thời hạn hưởng giá FIT. Nếu như tháng 11/2021 đã xóa bỏ ưu đãi thì tôi e rằng khó thu hút các nhà đầu tư".

{keywords}
Đầu tư điện gió tốn thời gian hơn điện mặt trời. Ảnh: L.Bằng

Chưa chốt kéo dài hay không

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề xuất một số nội dung liên quan đến áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió.

Đáng chú ý, EVN kiến nghị xem xét không kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió. 

EVN cho rằng hiện tại cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho điện mặt trời thỏa mãn các điều kiện liên quan tại Quyết định 13 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Vấn đề này đang được Bộ Công Thương xây dựng và báo cáo Thủ tướng, dự kiến áp dụng vào đầu 2021.

Do vậy, theo EVN, cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió có thể học tập kinh nghiệm từ cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào cuối 2021. Đây là thời điểm hết hiệu lực của giá ưu đãi đối với điện gió.

Những điều này giúp đảm bảo truyền tải công suất của các dự án điện gió và hướng tới cơ chế đấu thầu, đảm bảo minh bạch, tăng tính cạnh tranh, góp phần giảm giá mua từ các dự án điện gió.

Tại văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến vấn đề này. Ý kiến được đưa ra sau khi Chính phủ đã triệu tập họp với các bộ ngành vào ngày 21/7.

Phó Thủ tướng cho rằng tác động của dịch Covid-19 trên toàn cầu gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án điện gió ở nước ta. Nhiều dự án đang triển khai bị chậm trong khâu cung cấp thiết bị điện gió và trong công tác xây lắp nên không thể đưa vào vận hành đúng tiến độ để được áp dụng giá điện gió cố định tại Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy chưa “chốt” việc có kéo dài ưu đãi cho điện gió hay không, nhưng trong văn bản này, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, thống nhất về phương án cụ thể giải quyết các khó khăn trong đầu tư xây dựng điện gió. Việc này sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2020.

“Trường hợp cần thiết kéo dài cơ chế giá cố định đối với điện gió, cần sự thống nhất của các bộ ngành về đối tượng áp dụng và báo cáo về dự kiến mức giá cố định áp dụng cho giai đoạn kéo dài”, văn bản nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió và sớm triển khai thí điểm cơ chế này để nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, giảm giá mua điện từ các dự án điện gió.

Như vậy, việc gia hạn thời gian ưu đãi cho điện gió hay không vẫn phải chờ. Bài học “lỡ hẹn” giá ưu đãi từng xảy ra với nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đang có khả năng “vận” vào điện gió.

Hà Duy

Nhìn điện mặt trời, lo cho điện gió

Nhìn điện mặt trời, lo cho điện gió

 - Điện gió đang lên cơn sốt với mức giá ưu đãi gần 2.000 đồng/số nhưng nếu nhà đầu tư không cẩn thận, vết xe đổ của điện mặt trời có thể “vận” vào điện gió.