Điện gió trong cuộc đua nước rút

Mới đây tôi nhận được cuộc gọi của một chuyên gia về năng lượng tái tạo có kinh nghiệm phát triển nhiều dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam. Trong câu chuyện, ông nói không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều nhà đầu tư đổ xô vào điện gió. “Đầu tư vào điện gió lúc này để hưởng giá ưu đãi cũng rủi ro lắm”, ông nói.

Tôi biết, băn khoăn của ông xoay quanh 2 từ “tiến độ”.

Mức giá ưu đãi cho điện gió đến trước tháng 11/2021 là hết hạn, cho nên nhiều nhà đầu tư đang phải chạy đua với thời gian để đưa công trình vào vận hành. Nhưng điện gió lại không nhanh như điện mặt trời được.

Với dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, để có được báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), nhà đầu tư phải có dữ liệu đo gió, ít nhất là mất 12 tháng. Độ sai số của dữ liệu gió cũng liên quan nhiều đến địa hình. Nhiều nhà đầu tư chọn cách làm song song quy hoạch và đo gió, nhưng cũng phải mất 12 tháng cho phần việc này. 

Khi có dữ liệu đo gió, nhà đầu tư mới làm được thiết kế, công việc tiêu tốn nhiều thời gian. “Nhà đầu tư nào làm điện gió mà đến giờ chưa thu thập được dữ liệu đo gió ít nhất 6 tháng thì không thể kịp đưa vào vận hành vào trước tháng 11/2021”, vị này khẳng định. Khi đó, liệu chính sách với điện gió có thay đổi chóng mặt như điện mặt trời không là nhiều nhà đầu tư băn khoăn.

Kịch bản xảy ra với điện mặt trời rất dễ xảy ra với điện gió, rất ít dự án điện gió có thể kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi.

{keywords}
Liệu làn sóng đầu tư vào điện gió sẽ lặp lại kết quả như điện mặt trời?

Ngoài ra, việc đặt mua thiết bị điện gió cũng rất khó khăn. Dòng tuabin 5MW, nhiều nhà đầu tư muốn đặt cũng không có. Còn dòng tuabin 4MW đặt hàng phải mất 1 năm mới có hàng giao, có nghĩa đến 2021 mới lắp đặt được.

“Những thiết bị này nhà đầu tư thường đặt từ Thụy Điển, Đức, Mỹ, Trung Quốc. Ngay cả hàng của Trung Quốc không phải đặt là cũng có ngay được. Với thiết bị điện gió, khi có khách đặt hàng thì nhà máy mới làm, chứ không có sẵn. Công suất nhà máy sản xuất thiết bị điện gió có giới hạn. Nếu cùng nhiều đơn hàng trên thế giới đặt, họ sẽ ưu tiên cho các khách hàng thân quen hơn. Doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng cũng sẽ bị chậm”, chuyên gia này cho hay.

Đó là chưa kể, nhiều dự án điện gió cũng có chung nỗi lo như điện mặt trời, đó là đầu tư vào những vùng lưới điện bị quá tải nên không thể bán hết lượng điện sản xuất ra. Không nói đâu xa, một số dự án điện gió vận hành trước thời điểm mức giá ưu đãi mới được ban hành cũng đang phải chịu cảnh không phát được hết điện sản xuất lên lưới.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận tỏ ra “tâm tư” khi các dự án điện gió bị cắt giảm công suất vì điện mặt trời làm cho liên lụy.

Đơn cử, có 3 dự án ở Bình Thuận, Ninh Thuận đang phải chịu chung cảnh cắt giảm công suất cùng các dự án điện mặt trời trên địa bàn. Các dự án này được hưởng mức giá khoảng 1.770 đồng một kWh (tương đương 7,8 cent), chứ không phải mức giá gần 2.000 đồng/số tại Quyết định 39.

Ông Bùi Vạn Thịnh lo lắng: Việc cắt giảm công suất khiến các chủ đầu tư điện gió "thiệt đơn thiệt kép". Thực tế, hiện đang là mùa gió tốt nhưng các nhà máy điện gió bị cắt giảm tới 61% công suất và chỉ phát điện được 39%. Sản lượng điện phát chỉ đạt 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11 triệu kWh.

Tuy không “căng” như tình trạng quá tải điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận, nhưng kịch bản tương tự với điện gió cũng không thể loại trừ.

Vì đâu lên cơn sốt?

Điện gió lên cơn sốt cũng là điều được dự báo trước khi điện mặt trời đã hết ‘hot’. Điện gió bắt đầu thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà đầu tư khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió. Mức giá mới này đủ để nhiều nhà đầu tư chạy theo.

Cụ thể, tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Giá mua điện này áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39 được ban hành (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).

Với tỷ giá 23.250 đồng như hiện tại, giá mua điện gió trên đất liền xấp xỉ 2.000 đồng/số. Mức giá này đã khiến hàng loạt nhà đầu tư đổ xô vào điện gió.

Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra cho thấy, khi giá điện gió chưa được nâng lên thì chỉ có 9 dự án đi vào vận hành với công suất khiêm tốn là 353 MW. Nhưng khi giá mua điện tăng  lên gần 2.000 đồng/số, hàng ngàn MW điện gió đã được ký Hợp đồng mua bán điện và hàng nghìn MW đã được bổ sung quy hoạch, tập trung ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Sóc Trăng…

Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngoài 9 dự án đã đi vào vận hành thương mại, còn 31 dự án có tổng công suất là 1.645 MW đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA), hiện đang được đầu tư xây dựng chưa đưa vào vận hành thương mại.

Ngoài ra, hiện có 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến 2025 nhưng chưa ký PPA với EVN, tổng công suất là khoảng 2.700 MW. Bên cạnh đó, hơn 100 dự án khác đang xin ý kiến để được bổ sung vào quy hoạch.

Đó là con số thể hiện sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư vào điện gió. Nhưng, trong cơn sốt điện gió, nhà đầu tư phải bình tĩnh khi quyết định đầu tư một dự án bởi những rủi ro với điện gió như nêu trên là rất khó lường.

Câu chuyện hàng chục dự án điện mặt trời không kịp vận hành trước thời điểm hưởng giá ưu đãi, rồi nhiều dự án đã vận hành bị giảm công suất phát vẫn còn nguyên giá trị với điện gió.

Lương Bằng