Sự tôn vinh những giá trị ảo thực chất là làm cho văn hóa rối loạn thêm. Còn gì là văn hóa và đạo đức nữa khi GS đạo văn, TS giấy, tham nhũng gia tăng.

Sau tết là mùa lễ hội, phong tục. Và như thể quy luật, những trăn trở, day dứt về sự ‘xuống cấp’ của văn hóa vào những thời điểm như thế này lại liên tục tạo sóng, gây bão trong đời sống, dư luận.

Mới đây, đọc bài viết của TS Trần Đức Anh Sơn (FB Anh Sơn Trần Đức), tôi thấy khá nhiều lý lẽ để đồng tình, khi anh giải thích lý do lễ hội bị biến tướng diễn ra nhiều chỉ ở nơi này mà hiếm khi có chuyện tương tự ở nơi kia, nhất là Huế.

Song, với riêng Huế, vẫn có nhiều chuyện đề bàn…

Khi tôi vào Huế cuối những năm 70 thế kỷ trước là lúc ngoài hai mươi tuổi. Là cán bộ giảng dạy nhưng phải kiêm nhiệm “chức” trợ lý giáo vụ, có nghĩa là tôi thường xuyên phải đưa các thầy thỉnh giảng từ Hà Nội đi tham quan các di tích ở Huế. Có thể nói, tôi may mắn được gặp gỡ, chuyện trò với những cây đa, cây đề: Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Hồng, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Vũ Dương Ninh, Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệ, Lê Đình Kỵ, Hoàng Trọng Phiến, Từ Chi, Chương Thâu…

{keywords}
Ảnh minh họa: Phụ nữ Online

Bác lái xe đưa tôi đi với các thầy hồi đó tên là bác Chúc, bác Thương. Khi tôi và GS thỉnh giảng xuống, bao giờ cũng thấy bác Chúc hay bác Thương mở sẵn cửa xe, vòng tay và hơi cúi mình, nói: “Mời các thầy lên xe”. Tôi ngạc nhiên vì chưa thấy chuyện ‘đã từng’ tương tự như thế ở ngoài Bắc. Tôi thầm nghĩ, chắc nhờ cái uy của các thầy nên tôi mới được thơm lây.

Thế nhưng, những khi thầy không nghỉ lại ở nhà khách (khách sạn Morin) bây giờ mà ở khách sạn khác hay nhà người quen thì chỉ có mình tôi xuống, lên xe để đi đón thầy. Và, tôi cũng được bác Chúc vòng tay cúi chào, với lời mời nhẹ như một tiếng thì thầm của gió bay trong không gian văn hóa dịu dàng…

Sự phát triển của Trường ĐH Tổng hợp Huế (nay là ĐHKH Huế) đưa đến cái tất nhiên là nhiều lái xe trẻ được tuyển dụng và, chẳng biết từ khi nào, nhưng rất nhanh sau đó, những cái vòng tay, cúi chào không còn nữa.

Rồi, rất nhiều vợ, cháu, em út của người làm trong trường được tuyển vào giữ xe đạp (sau này là xe máy). Tôi bắt đầu được nghe những tiếng quát nạt, sỉ vả sinh viên: “Ê, thằng kia, để xe lùi lại”; “ Ê, con kia, cho xe dịch sang”… Không ít lần do không chịu nổi, tôi phải quát, phải nhắc nhở rằng, sinh viên là tinh hoa của đất nước, mai mốt là cán bộ, là nhân tài, không được phép và không có quyền nói năng như thế. Những lời nhắc, gây sự của tôi chỉ đưa đến kết quả là hầu như nhân viên giữ xe nào cũng… ghét tôi!

Vài câu chuyện như thế để thấy rằng đã có một sự thay đổi rất nhanh cái khung văn hóa, cái phổ giá trị từ lâu đã có ở Huế. Ta tự hào về cái bình đẳng giữa lãnh đạo và nhân viên, người ít được học và có học, nông dân và trí thức… nhưng quên mất rằng cái cách đánh đồng mọi thứ, mọi giá trị ấy đã đem đến sự hỗn loạn về đạo đức, văn hóa. Thực chất của lẽ ‘bình đẳng’ ở đây là ... cá mè một lứa.

Những sai lầm về quản lý và phát triển văn hóa, kinh tế  đã đẩy nhanh hơn sự tan vỡ của trật tự, tôn ti. Với hàng loạt quyết sách sai lầm sau đó.

Vài chục năm sau, chúng ta bắt đầu sửa sai, làm lại bằng cách tôn vinh như GS, PGS có phòng làm việc riêng, lương cao, đãi ngộ… Nhưng, một lần nữa mọi thứ lại bị đảo lộn. Có bao nhiêu Phó GS, GS không nói nổi vài câu tiếng Anh? Có bao nhiêu người cứ viết mỗi trang, sai ít nhất vài lỗi chính tả?

Sự tôn vinh những giá trị ảo thực chất là làm rối loạn thêm. Người ta đua tranh để có bằng này, bằng nọ và hầu như ai cũng đạt được, nếu muốn. Còn gì là văn hóa và đạo đức nữa khi GS đạo văn, TS giấy, tham nhũng gia tăng.

Trần Đức Anh Sơn chỉ đúng một phần thôi. Có lẽ anh ấy muốn né tránh, có khi anh ấy ám chỉ, ngụ ý làm cho người viết bài này không hiểu. Tôi muốn nói thẳng ra rằng: Phải chấn chỉnh lại, loại bỏ tất cả những gì dối trá, và cần tôn vinh giá trị thực, thì mới có thể  xây dựng được một môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh.

  • Hà Văn Thịnh