Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn, triển khai ý kiến của Thủ tướng về phát triển thị trường bất động sản thành phố ổn định, lành mạnh.
Theo đó, các tổ chức tín dụng được đề nghị quản lý chặt tình hình cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài. Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần "hạn chế cho vay đầu tư bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ". Chính sách tín dụng của các ngân hàng cần linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân.
Tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18 - 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 2 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực này cũng dần hạ nhiệt, từ mức trên 26% năm 2018, giảm còn 12% năm 2021.
Trước tình trạng dòng vốn cho thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này từ kênh tín dụng và trái phiếu.
Trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất và báo cáo lại khi phát hiện sai phạm.
Bên cạnh đó, các nhà băng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mới đây, ngân hàng Sacombank đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở. Thời gian áp dụng sẽ đến hết tháng 6.
Hay Techcombank cũng tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3.
Minh Vy