Nhiều chợ hoạt động trở lại

Tính đến nay, trên địa bàn TP HCM đã có 199/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 85,4%.

Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị. Số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới (Quận 11) cho biết, Ban quản lý chợ đã rà soát bộ tiêu chí mới và trình kế hoạch lên quận để chờ xét duyệt, dự kiến thời gian mở cửa có thể sớm hơn. Chợ cũng sẽ xem xét kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong đó, chợ đầu mối Hóc Môn chính thức mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 22/10/2021. Chợ Thủ Đức, chợ Bình Điền vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa cho các hệ thống cung cấp, phân phối lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Việc ra vào khu vực chợ đầu mối thực hiện kiểm tra khai báo y tế, có test Covid-19 và quét mã QR.

Đối với công tác mở lại chợ đầu mối, đến nay đã có 2/3 chợ đầu mối hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, để bảo đảm nguồn hàng cho hệ thống phân phối hàng hóa, Sở đã tổ chức các điểm trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối với khối lượng khoảng 300 tấn/ngày để cung ứng cho toàn thành phố.

{keywords}
TP.HCM: Chợ truyền thống hoạt động trở lại, thị trường hàng hóa ổn định

Để tăng cường thưc hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo lưu thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân, UBND Thành phố yêu cầu Sở Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Đồng thời, hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin địa chỉ liên hệ, đầu mối cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu (ưu tiên trước mắt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả) đến các địa phương, đơn vị quản lý chợ, tiểu thương các chợ truyền thống có nhu cầu đặt hàng với các phương thức phù hợp. Đẩy nhanh việc triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời (tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn). Hỗ trợ kết nối thương nhân chợ đầu mối với tiểu thương chợ truyền thống để giao dịch và cung ứng hàng hóa.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa

Theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương tại TP HCM, tình hình cung ứng hàng hóa duy trì ổn định, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Bộ Công Thương ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế, bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Nhìn chung, tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tình hình thị trường không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, số lượng chợ truyền thống hoạt động trở lại đã đạt tới trên dưới 80%. Lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Giá cả hàng hóa tương đối ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sốt giá bất thường. Các khu vực cách ly vẫn đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhiệm vụ.

Trong khi đó, UBND TPHCM khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ.

Ưu tiên thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đối với đối tượng tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ truyền thống. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị y tế hỗ trợ, phối hợp với đơn vị quản lý chợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên đối với tiểu thương, người đến mua hàng tại chợ để kịp thời sàng lọc, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các tình huống phát sinh liên quan.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tiếp tục tổ chức cung ứng thực phẩm cho người dân theo các phương án của Thành phố. Bổ sung các điểm bán hàng đồng giá và thực hiện bán hàng đăng ký trước; huy động phương tiện vận chuyển sẵn có để cung ứng hàng hóa thiết yếu kịp thời, liên tục.

Tăng cường huy động các nguồn lực, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương để tổ chức hoạt động chợ theo mô hình tự quản; hoặc triển khai các hình thức phù hợp để tổ chức cung ứng hàng hóa cho người dân.

Ngọc Trang