Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, Công an TP.HCM phối hợp với nhiều cơ sở giáo dục tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh. Để tạo sự răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, CSGT đã lập biên bản, xử phạt nhiều trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định và không có giấy phép lái xe. Tất cả đều được thông báo đến ban giám hiệu nhà trường để phối hợp quản lý, giáo dục.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.HCM, để phòng tránh tai nạn giao thông cho học sinh và những người tham gia giao thông khác, các bậc phụ huynh tuyệt đối không giao xe cho các em khi các em chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Các học sinh cần tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát tại khu vực các trường học để xử lý nghiêm học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Hai tháng qua, kể từ khi khai giảng năm học 2023-2024, Phòng CSGT Công an TP.HCM đã lên kế hoạch phối hợp đơn vị liên quan và hơn 40 cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến phụ huynh và học sinh. Các buổi tuyên truyền đã thu hút hơn 40.000 học sinh tham gia.

Mới đây nhất, ngày 2/10, Phòng CSGT Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận 6, Công an phường 11 và trường tiểu học Phù Đổng (quận 6) tổ chức chương trình “Cùng em vững bước”, tuyên truyền an toàn giao thông cho 1.309 học sinh. Đội CSGT Bình Triệu cũng tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông cho hơn 2.000 cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức.

"Đối với lứa tuổi học sinh, tùy theo cấp học mà chúng tôi sẽ có nội dung tuyên truyền khác nhau. Ví dụ như đối với học sinh THPT, chúng tôi sẽ tuyên truyền về quy định điều kiện độ tuổi các em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe máy điện, xe mô tô…", cán bộ tuyên truyền Phòng CSGT Công an TP.HCM thông tin.

Phụ huynh cũng được mời dự các buổi tuyên truyền, qua đó phối hợp với cơ quan chức năng, nhà trường trong việc giáo dục, quản lý phương tiện, không giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi. Đồng thời, Công an thành phố còn tổ chức cho tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan công an và các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền và thực hiện nhiều mô hình về an toàn giao thông. Ngoài ra, Sở sẽ chỉ đạo các trường nghiêm túc thực hiện việc tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe.

tuyen truyen .png
Một buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn giao thông trong trường học. 

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh 6 - 18 tuổi là 881 vụ (chiếm gần 9% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người, bị thương 827 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

TNGT liên quan học sinh xảy ra hết sức lo ngại, để lại những hậu quả nặng nề đối với gia đình và xã hội. Trong đó, 10 địa phương xảy ra nhiều tai nạn liên quan học sinh là TP.HCM, Gia Lai, Tiền Giang, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, Bến Tre.

Trong kế hoạch nâng cao công tác đảm bảo an toàn giao thông, TP.HCM sẽ duy trì lực lượng thực hiện công tác tuần tra kiểm soát thường xuyên tại các tuyến đường, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng để truyền thông, tuyên truyền về văn hóa giao thông học đường, tác hại, nguy cơ có thể xảy ra.

Ngoài ra, công an sẽ phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên để phòng ngừa vi phạm Luật giao thông và xử lý trách nhiệm liên quan các vụ tai nạn nếu phụ huynh giao phương tiện cho con em chưa có giấy phép lái xe.

Hoàng Linh