Bài toán vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Công ty Bosch 3 năm nay đi tìm kiếm nhưng chưa có DN công nghiệp hỗ trợ nào trong nước đủ điều kiện cung ứng. Bosch sẵn sàng hỗ trợ các DN trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất; hướng dẫn đầu tư thiết bị, máy móc và đồng hành với DN trong quá trình sản xuất nhưng chưa có đơn vị nào làm được.

Không chỉ có Bosch mà nhiều DN, tập đoàn lớn cũng đang tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên khả năng đáp ứng của DN Việt Nam còn hạn chế. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư là một rào cản lớn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM  - bà Lê Nguyễn Duy, hiện, DN Việt Nam chỉ có thể sản xuất một chi tiết linh kiện đơn lẻ, nếu làm cả phần cấu kiện gồm vừa nhiệt, kim loại, cơ khí, điện tử thì rất khó có DN đảm đương.

“Vốn đầu tư lớn là trở ngại cho các DN còn về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng học hỏi của thợ Việt Nam phải nói là rất tốt, ngang bằng khu vực nhưng chi phí đầu tư quá lớn. Sức của một DN nhỏ và vừa thì khó”, bà Oanh nói.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) cho rằng, ngoài quyết tâm của DN thì còn là tiền, là vốn. Làm sao có được, vay được. Không có được dòng tài chính để làm, đó là bài toán mà mỗi DN đang phải tự giải quyết.

Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, định hướng 2025” cũng chỉ ra, đa số DN công nghiệp trên địa bàn là DN vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay còn khó khăn do thiếu tài sản đảm bảo.

Để đồng hành cùng DN giải quyết vấn đề trên, từ năm 2016, TP thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, khuyến khích các tổ chức tín dụng hình thành các gói tín dụng phục vụ cho đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất trong lĩnh vực CNHT. Giai đoạn 2016 – 2018, NHNN đã thực hiện nhiều chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong lĩnh vực, giải ngân 22.363 tỷ đồng cho 4.692 DN.

Ngoài ra, một số gói cho CNHT như, năm 2020, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước phối hợp với Sở Tài chính thực hiện các thủ tục tiếp nhận khoản tài trợ tín dụng 15 triệu Euro của Chính phủ Ý theo Dự án “Nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương”, Ngân hàng VietinBank dành gói tín dụng 10.000 tỷ cho CNHT, Ngân hàng Vietcombank cam kết đồng hành cùng DN CNHT trên địa bàn…

{keywords}
Bài toán vốn vẫn là một trở lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước

Cho ra đời khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Ngoài nhu cầu vốn, để hỗ trợ DN, các hoạt động kết nối, làm trung gian của chính quyền TP.HCM giữa doanh nghiệp FDI với các nhà cung ứng trong nước thời gian qua đã diễn ra. Qua các cuộc gặp gỡ như vậy, DN Việt có thể đánh giá được nhu cầu thị trường và định hướng được chiến lược đầu tư nếu có tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Hội nghị “Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ” diễn ra mới đây tại TP, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Võ Văn Hoan khẳng định, nhà nước hỗ trợ nhưng đòi hỏi DN trong nước chủ động và phía người mua (là các Tập đoàn lớn) cũng phải có sự chia sẻ.

Trong tương lai, thay vì đi tìm các nhà cung cấp cho công nghiệp hỗ trợ thì cần tìm kiếm nhà thiết kế và sản xuất sản phẩm để cung ứng cho công nghiệp hỗ trợ. Đây mới là điều quan trọng. Muốn vậy, tự DN phải có sự nỗ lực. Ví dụ, DN sản xuất một số mặt hàng thì máy móc, thiết bị đó phải trang bị để làm sao có thể thay đổi một cách hiệu quả, kịp thời theo đặt hàng của người mua tức là những nhà sản xuất lớn.

Cùng với đó, các Tập đoàn lớn như Intel, Samsung, cần chia sẻ với DN nhỏ, những đơn vị có đầu tư nhưng chưa có thị trường. Việc chia sẻ có thể là ưu tiên sử dụng những sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu. Hoặc có thể đưa nhà máy sản xuất các chi tiết đến sản xuất tại Việt Nam để giảm chi phí test. Nếu như không có sự chia sẻ thì sẽ khó.

{keywords}
TP.HCM đang hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Lãnh đạo TP.HCM thông tin thêm, TP đang hình thành một khu công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Hướng đến tư duy không thuần túy chỉ bao gồm những DN cung cấp sản phẩm mà đòi hỏi cao là DN thiết kế, sản xuất để cung cấp các sản phẩm, cho công nghiệp phụ trợ.

Theo kế hoạch, ngày 17/12 tới đây, TP sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao”, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo TP.HCM, các chuyên gia, hiệp hội DN trong và nước ngoài sẽ cùng góp mặt.

Về phía các DN, Chủ tịch HAMEE nhận định, các DN FDI khi đầu tư vào bất cứ quốc gia nào đều muốn sử dụng nguồn lực tại chỗ của quốc gia đó để giảm chi phí logistic. Họ có giải pháp để hợp tác với các nhà sản xuất địa phương, tạo sản phẩm cho họ.

Không hẳn đợi sau đại dịch mà trước đại dịch thì các DN FDI cũng đang muốn tìm các nhà cung cấp Việt Nam. Dịch Covid-19 xảy ra, tạo ra bước ngoặt, khiến nhà sản xuất FDI phải nhanh chóng tìm kiếm bên cung cấp Việt Nam vì việc di chuyển, giao hàng nhiều nơi toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Việc TP hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo đà cho DN. 

Cùng với đó, đơn vị sản xuất Việt Nam hiện không chỉ tập trung cho các nhà mua hàng FDI trong nước mà rất nhiều DN còn sản xuất đi toàn cầu để đảm bảo dung lượng sản xuất. Bởi vì, dung lượng sản xuất càng lớn thì giá thành càng giảm. Nhu cầu lớn hơn nên các DN đang mạnh dạn đầu tư nhiều hơn nữa trong ngành cơ khí điện để tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

 

Theo thống kê tại TP.HCM, tỷ lệ nội địa hóa 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 là 68,2%; năm 2018 đạt 71,32% (cao hơn chỉ tiêu đề ra là 66% đến năm 2020).

Tính đến hết năm 2020, BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM đã thu hút được 27 dự án với tổng vốn đầu tư CNHT đạt 469,12 triệu USD, trong đó, có 13 dự án trong nước (153,65 triệu USD) và 14 dự án FDI (315,47 triệu USD). Lĩnh vực CNHT đã đóng góp vào tổng giá trị thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao là 6,67%.

Đối với các Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp, giai đoạn từ 2014 – 2018, đã thu hút 251 dự án CNHT với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,32 tỷ USD.

 

Trần Chung

Người Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao động

Người Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao động

Hai ngành thâm dụng lao động nhất ở nước ta là dệt may và da giày, nơi tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động, đã trở nên khá tổn thương trước tác động của Covid-19. Đến lúc cần sự thay đổi.