Báo RT đưa tin, ông Bolton đã lên đường tới Kiev ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp kết thúc hôm 26/8. Cố vấn quốc gia Mỹ tuyên bố, ông trông chờ các cuộc tiếp xúc với những "đối tác" ở Kiev để thúc đẩy tầm nhìn của Washington về "một nước Ukraina lớn mạnh và thịnh vượng hơn".

{keywords}
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton được tin sẽ có buổi làm việc với giới chức Ukraina về số phận nhà máy động cơ máy bay Motor Sich (phải). Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Bolton không bình luận về bài viết đăng tải trên tờ Wall Street Journal cuối tuần trước, có nội dung quả quyết, một trong những cuộc gặp như trên sẽ liên quan đến số phận của Motor Sich, nhà máy đang tìm kiếm sự phê chuẩn từ một cơ quan giám sát trực thuộc Kiev để bán lượng lớn cổ phần cho hai công ty Trung Quốc. Động thái đã dấy lên những tiếng nói báo động ở Washington, nơi những chính trị gia diều hâu lo ngại Bắc Kinh sẽ không chỉ thâu tóm nhà máy ở Zaporozhye, mà còn cả công nghệ cũng như các chuyên gia chế tạo động cơ máy bay và trực thăng.

Năm 2017, Công ty Đầu tư công nghiệp hàng không Bắc Kinh Skyrizon đã cố gắng mua gần 49% cổ phần của Motor Sich, nhưng các cơ quan an ninh Ukraina đã ngăn chặn thương vụ này. Việc bán cổ phiếu của Motor Sich cũng bị đóng băng vào tháng 4/2018 nhằm ngăn cản chúng rơi vào tay "những đối tượng không được chấp nhận".

Hiện công ty Bắc Kinh Skyrizon đã liên danh với tập đoàn Xinwei để thực một nỗ lực khác, lần này là nhằm thâu tóm tới hơn 51% cổ phần của nhà máy Ukraina. Trong khi 25% cổ phần còn lại của Motor Sich dự kiến sẽ được bán cho Ukroboronprom, một tập đoàn quân sự quốc gia của Ukraina. Thương vụ cần phải nhận được sự phê chuẩn của Ủy ban chống độc quyền Ukraina, nơi ông Bolton đã lên lịch ghé làm việc trong chuyến công du đang diễn ra.

Motor Sich được thành lập năm 1907 và hiện là nhà máy sản xuất động cơ máy bay duy nhất của Ukraina. Doanh nghiệp này đã lâm vào tình cảnh khó khăn. Antonov, công ty chuyên chế tạo máy bay vận tải sử dụng động cơ của Motor Sich cũng phải đóng cửa vào năm 2016 và sáp nhập với Ukroboronprom sau khi bị Kiev gạt bỏ một thỏa thuận nhận vốn đầu tư của Trung Quốc để hoàn thiện mẫu máy bay vận tải chiến lược An-225.

Tháng 8 năm ngoái, sau khi các sức ép từ Washington đã chặn đứng cơ hội Motor Sich hợp tác với người Trung Quốc, một chính khách Ukraina tuyên bố, mọi việc chỉ công bằng nếu Mỹ sẽ thế chân Trung Quốc làm khách hàng.

"Nếu người Mỹ không muốn chúng ta bán cho Trung Quốc, hãy để họ mua các động cơ máy bay của chúng ta", chính trị gia Oleh Lyashko nhấn mạnh. Tuy nhiên, đảng của ông Lyashko đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng trước, nên không có tiếng nói quyết định điều này.

Tân Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, người giành chiến thắng vang dội trước đối thủ Petro Poroshenko được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4, đã nhận được nhiều "cảnh báo đỏ" từ các tổ chức phi chính phủ của phương Tây và hướng các ưu tiên của ông cho việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hiện vẫn phải chờ xem liệu ông Zelensky có nhượng bộ trước sức ép từ Washington như người tiền nhiệm hay không, ít nhất xét về số phận của nhà máy Motor Sich.

Tuấn Anh