Theo Reuters, e ngại nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), bà Merkel đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới toàn cầu.

"Giải trừ vũ khí là thứ khiến tất cả chúng ta quan ngại. Chúng tôi tất nhiên sẽ rất vui nếu các cuộc đàm phán như vậy được tổ chức không chỉ giữa Mỹ, châu Âu và Nga, mà còn cả với Trung Quốc", bà Merkel phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 16/2 .

{keywords}
Theo ông Dương Khiết Trì, việc Trung Quốc tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí như INF sẽ hạn chế khả năng phòng vệ của quân đội nước này.

Mỹ và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước INF vào năm 1987, cấm phóng các loại tên tửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 - 5.500km trên mặt đất, vốn được hai bên phát triển rất nhiều thời Chiến tranh Lạnh. Từ tháng 2 này, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức xúc tiến quá trình 6 tháng rút khỏi hiệp ước, đổ lỗi cho các vi phạm của Nga.

Trong khi đó, Moscow quả quyết không làm gì sai trái, đồng thời tố cáo ngược Washington mới chính là bên vi phạm INF và âm mưu chèn ép, buộc Chính phủ Nga phải phá hủy hệ thống tên lửa hành trình tân tiến, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9M729.

Các nhà ngoại giao châu Âu hiện coi đề xuất của lãnh đạo Chính phủ Đức về việc Trung Quốc tham gia quá trình đàm phán một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới là giải pháp khả thi nhằm chấm dứt thế bế tắc hiện tại. Tuy nhiên, phát biểu tại Munich, ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này.

"Trung Quốc phát triển các khả năng quân sự chỉ vì những nhu cầu phòng vệ và không tạo ra mối đe dọa với bất kỳ ai. Vì vậy, chúng tôi phản đối việc đa phương hóa Hiệp ước INF", ông Dương Khiết Trì giải thích.

Trung Quốc đã công khai tham vọng hiện đại hóa quân đội nước này vào năm 2035, cải thiện năng lực của Không quân cũng như thúc đẩy nhiều công nghệ quân sự mới, kể cả các loại tên lửa hành trình tốc độ cao và trí tuệ nhân tạo.

Tuấn Anh