Không trả tiền lẻ cho khách hàng mà trả bằng kẹo, các siêu thị lớn ở các nước đang phát triển tại châu Á đang bỏ túi một khoản tiền khủng một cách dễ dàng.

Số tiền thừa thường hay rất nhỏ, nên nhiều khi phải nhận kẹo thay tiền thừa nhưng tuyệt nhiên các khách hàng không hề phàn nàn vì cảm thấy điều đó là bình thường. Tuy nhiên, theo luật pháp hiện hành, việc giao dịch trả tiền bằng kẹo là sai trái và nhiều khi chỉ là một mánh khóe của các siêu thị khi muốn thu lợi nhuận nhiều hơn.

Tại Indonesia, hình thức giao dịch bằng kẹo tồn tại trong xã hội đã được gần một thập kỷ. Nguyên do chính là do giá trị đồng rupiah xuống thấp khiến các nơi buôn bán gặp khó khăn trong việc tích trữ tiền mệnh giá nhỏ. Điều đó dẫn đến việc nhiều siêu thị, cửa hàng tự mình quy ước hình thức giao dịch trả kẹo thay tiền thừa.

{keywords}

Một viên kẹo lẻ luôn xuất hiện mỗi khi nhân viên siêu thị trả tiền thừa.

Tuy phổ biến nhưng không phải ai cũng thấy thoải mái trong việc nhận kẹo, vì rõ ràng khách hàng đang bị ép buộc mua thứ hàng hóa mà không có nhu cầu dùng đến.

Một khách hàng tại Indonesia cô Vashnavi chia sẻ: “Hầu hết chúng ta chấp nhận kẹo thay tiền thừa vì nghĩ rằng giá trị của một viên kẹo đó cũng tương đương với chỗ tiền cần phải thối lại. Tuy nhiên, xét về mặt lợi ích kinh tế, thì điều đó là sai lầm.

Chúng ta nên nhớ khi siêu thị hay cửa hàng thu mua kẹo, họ được mua với giá sỉ, trong khi bán cho chúng ta với giá lẻ, thậm chí có nhân viên trả lại bạn bằng những viên kẹo rất rẻ, ít người mua, giá trị của chúng có khi cũng chẳng bằng giá bán lẻ. Có khách hàng chẳng muốn nhận kẹo và bỏ qua luôn số tiền thừa đó. Một hai người không sao, nhưng khi số lượng khách hàng trung bình của một siêu thị lên tới nghìn người mỗi ngày, thì lợi nhuận sẽ biến thành con số khủng”.

Ở Ấn Độ, chuyện trả tiền thừa bằng kẹo cũng tương tự. Khách mua hàng nghĩ việc nhận kẹo thay tiền thừa là một điều tự nhiên. Luật sư Shankar Iyver đã đến một cửa hàng trong chuỗi siêu thị DMart, mua một hộp xà phòng và bánh bích quy với giá 89 ruppee.

Khi thấy nhân viên cửa hàng trả lại khoản tiền thừa 10 ruppee bằng một thanh socola, anh đã từ chối nhận. Đến bàn chăm sóc khách hàng để phàn nàn, tất cả lời giải thích mà anh nhận được là do siêu thị thiếu tiền xu.

Shankar Iyver bức xúc: “Họ không những bắt khách hàng mua thứ đồ mình không cần mà còn đang gian lận. Tất cả những viên kẹo, thanh socola trả thay cho tiền thừa đều là những loại mặt hàng ‘được mua’ nhưng không in hóa đơn. Nếu không in hóa đơn, doanh thu sẽ không được ghi nhận, và từ đó họ có thể lợi dụng không phải trả thuế thu nhập cho những mặt hàng đó”.

Theo nguyên tắc, hành vi từ chối lưu thông tiền đủ tiêu chuẩn do ngân hàng trung ương các quốc gia ban hành bị cấm. Cụ thể, trong Luật bảo vệ Quyền người tiêu dùng 1986 của Ấn Độ, việc trả kẹo thay tiền thừa của chuỗi siêu thị DMart có thể quy kết thành hành vi trái pháp luật. Nếu như có cơ sở mua bán lợi dụng tình trạng thiếu tiền lẻ để kiếm lời, với số tiền lớn tích dần từ nhiều khách hàng, thì cơ sở đó có thể bị kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Song, hiện nay mức xử phạt cho hành vi từ chối lưu hành tiền lẻ chưa quy định cụ thể. Tại Indonesia, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ biết gửi thư khuyến cáo đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chứ chưa có hành động thiết thực nào để giải quyết dứt điểm vấn đề.

Để khỏi bị mất tiền oan, khách hàng Vashnavi đã đưa ra một giải pháp: “Vì các loại mặt hàng trong siêu thị đều có giá rất lẻ, nên hóa đơn khi tính ra có số lẻ là điều không thể tránh được. Hãy thanh toán bằng thẻ tín dụng, ít ra ngân hàng điện tử sẽ trừ đúng số tiền trong hóa đơn”.

(Theo Báo Tin Tức)