Xem lại bài 1: Đối thủ đang “giật” đơn hàng của Việt Nam

Xanh hoá ngành may mặc

Bộ Năng lượng Sạch, thông qua Cơ quan Phát triển Năng lượng Tái tạo và Bền vững (SREDA), đã ký một thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) cùng lo việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà các xưởng may.

Chính phủ sẽ giúp các thành viên Hiệp hội hưởng lợi từ việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.

Bộ truởng Bộ Năng lượng Nasrul Hamid thừa nhận, việc sử dụng năng lượng tái tạo là điều kiện rất quan trọng cho các nhà máy dệt may ở Bangladesh để duy trì hoạt động kinh doanh với các đối tác trên toàn cầu nhằm làm giảm lượng khí thải carbon.

Công nghiệp dệt may tiêu thụ 30% tiêu dùng điện quốc gia. Ông Hamid cho biết: “Mức tiêu thụ năng lượng của ngành dệt may có thể giảm tới 18% nếu họ được trang bị các công nghệ tiết kiệm năng lượng tiên tiến”.

Bangladesh – nước sản xuất hàng dệt may lớn trên thế giới

Cơ quan Phát triển Đức (GIZ) đã cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án lắp đặt năng lượng mặt trời, nếu dư điện năng sẽ được đưa vào lưới điện chung.

Quan chức SREDA cho biết BGMEA là một bên ký kết Hiến chương ngành thời trang của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. SREDA làm việc với các chủ sở hữu nhà máy quan tâm lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để đẩy càng nhanh càng tốt việc thiết lập các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh giao cho Công ty Phát triển Cơ sở hạ tầng, Quỹ Tài chính Cơ sở hạ tầng phối hợp với các đối tác phát triển quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính cho ngành may mặc.

Thỏa thuận ký giữa Cơ quan năng lượng chính phủ và Hiệp hội xuất khẩu hàng dệt may sẽ mở đường cho việc sản xuất năng lượng xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Chủ tịch BGMEA Rubana Huq cho biết, hiện nay Bangladesh cố gắng đồng bộ các tổ chức, cơ quan tham gia cuộc cách mạng xanh, trong đó, tất cả các nhà máy phải được làm xanh.

Tất nhiên năng lượng là khâu xung yếu nhất và việc xây dựng các nhà máy xanh còn đòi hỏi hàng loạt công việc phức tạp khác: cải thiện không gian làm việc, thiết kế dây chuyền hiệu quả, bố trí các tiện ích cho sinh hoạt của công nhân...

Việt Nam phải làm gì?

Tham khảo ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề, Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng như Bangladesh thì cần phải làm gì? Câu trả lời nhận được là:

Thực hiện chương trình giảm khí thải: Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu suất năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Hỗ trợ đổi mới công nghệ: Để đổi mới công nghệ song song tiết kiệm năng lượng, nhà nước cần cung cấp tài chính hay khuyến khích ngân hàng cho vay vốn với chi phí thấp. Việc khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh cũng cần có hỗ trợ về thuế và miễn giảm phí để doanh nghiệp có sức đầu tư.

Hỗ trợ đào tạo: Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và phát triển nhân lực về kinh tế xanh. Nhân lực là lực lượng quyết định.

Thật vậy, đã đến lúc cần đặt câu hỏi một cách thẳng thắn với ngành may mặc Việt Nam: Vì sao chúng ta thiếu vắng rất nhiều đơn hàng trong khi Bangladesh đang nhận được tới tấp trong năm nay?

Bài học Bangladesh chuyển mình từ nhiều năm nay là một phần câu trả lời cho chúng ta. Chính phủ họ đã vào cuộc với chiến lược và kế hoạch hành động rõ ràng, với sự tham gia hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức tài chính và môi trường quốc tế và giới chủ nhà máy.

Trong khi đó, lãnh đạo các Hiệp hội ở Việt Nam đến bây giờ vẫn còn mơ hồ nói rằng, việc chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang chậm và xanh hóa EU vẫn đang bàn, chưa bắt buộc thay đổi.

Họ kêu "khó cùng cực" nhưng giải pháp đưa ra cũng chỉ biết kêu gọi đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại hay liên kết chuỗi.

Tình thế đã cấp bách, đòi hỏi đã đến lúc chúng ta cần chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thế giới, khách hàng lớn giờ đây đều đòi hỏi nhà cung cấp phải tuân thủ kỷ luật mới của thời đại mới, đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Xanh hoá là kiến thức mới cũng là để thử thách bản lĩnh, quyết tâm tồn tại và phát triển của cả cộng đồng từ Nhà nước, cơ quan quản lý tới các hiệp hội, các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế.

Mặc dù tín hiệu đáng mừng là Thành phố Hồ Chí Minh đang ráo riết đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận để thực hiện càng sớm càng tốt các giải pháp xanh nhưng lẽ ra người thực hiện chính phải là các bộ, ngành. Chỉ khi chúng ta nhận thức và hành động đồng bộ, quyết liệt về xu hướng phát triển xanh không thể đảo ngược như Bangladesh thì công cuộc chuyển mình sang kinh tế xanh của ngành dệt may, ít nhất là như vậy, mới thành công.

Kim Hạnh

Nhận thức mới về doanh nghiệp dân tộcNghị quyết 29-NQ/TW phác họa con đường đưa đất nước đến tương lai hùng cường và thịnh vượng trong mấy chục năm tới đã khẳng định một lần nữa vai trò của doanh nghiệp dân tộc.