- Đề thi môn văn trong kì thi thử THPT Quốc gia cho học sinh lớp 12 của tỉnh Hưng Yên còn nhiều sai sót không đáng có.

“Nếu chỉ vài lỗi nhỏ thì không đáng nói nhưng đề thi có quá nhiều lỗi, trong đó có cả lỗi về kiến thức chuyên môn” – một giáo viên THPT tâm sự trong thư gửi VietNamNet sau khi đọc đề thi này. 

Sao lại là “phỏng theo”?

Trong phần I (phần đọc hiểu), có 8 câu hỏi chia đều cho 2 ngữ liệu. Việc đánh số câu hỏi trong đề lặp lại từ 1 đến 4 mà không có các câu từ 5 đến 8 như trong yêu cầu của đề thi.

{keywords}

{keywords} 

Đề thi môn Văn kỳ thi thử THPT quốc gia của Hưng Yên năm 2015.

Ở ngữ liệu 1, đề thi trích dẫn 1 đoạn văn bản được ghi chú là “Phỏng theo Hữu Thọ”. Theo phân tích của giáo viên: “Một tư liệu được trích dẫn phải ghi chú rõ ràng: tên tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang.

Vậy mà trong đề thi chỉ ghi “phỏng theo”, người đọc không hiểu ai phỏng theo (tác giả tư liệu này là ai?), nhà xuất bản nào xuất bản hay chỉ là đoạn văn bản của chính người ra đề? Kiểu trích dẫn tư liệu này làm giảm tính thuyết phục và độ tin cậy, đương nhiên là kém tính khoa học, chặt chẽ”.

Một câu hỏi nhỏ, 2 vấn đề phải bàn

Giáo viên này chỉ ra sai sót: “Ở câu hỏi 1 phần này yêu cầu “Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên? Đặt tiêu đề cho văn bản?”. Chỉ 1 câu hỏi nhỏ mà có 2 vấn đề phải bàn. Thứ nhất, đoạn văn bản trên có tới 3 đoạn văn, được đánh số rất rõ ràng, liệu có câu văn nào khái quát được chủ đề của đoạn trích trên không?

Nếu có thì người tạo lập đoạn văn bản này đã không hiểu gì về văn bản và kết cấu văn bản, kết cấu đoạn văn. Thực tế thì, trong đoạn trích trên có 3 câu chủ đề ứng với 3 đoạn văn, 2 câu chủ đề sau là phát triển của câu chủ đề thứ nhất.

Câu chủ đề thứ nhất không đủ sức khái quát cho cả đoạn trích nên câu hỏi này thiếu chặt chẽ, khiến thí sinh cũng lúng túng trong cách trả lời. Thậm chí, có em sẽ hiểu là nêu các câu chủ đề cho các đoạn văn trong đoạn trích đó”.

Theo ý kiến của giáo viên, câu này nên đổi lại cách hỏi là: “Em hãy nêu chủ đề của đoạn trích trên”?

Thứ hai, theo giáo viên, người ra đề không phân biệt được “đoạn trích” với “văn bản” nên dùng khái niệm này không đúng và thiếu thống nhất (khi thì đoạn trích, đoạn văn bản, khi lại văn bản). Nêu khái quát “chủ đề của đoạn trích” nhưng lại “đặt tiêu đề cho văn bản” !?

Diễn đạt khó hiểu như “tung hỏa mù”

Ở câu hỏi 2, cách diễn đạt cũng tạo ra sự khó hiểu cho thí sinh. Đề bài yêu cầu : “Tác giả sử dụng thao tác lập luận chủ yếu nào trong đoạn văn bản trên?

Thí sinh sẽ băn khoăn “thao tác lập luận chủ yếu” là thao tác nào, có nằm trong các thao tác lập luận đã học không? (thao tác lập luận so sánh, thao tác lập luận bác bỏ, thao tác lập luận phân tích, thao tác lập luận bình luận …). 

Giáo viên này cho rằng nên diễn đạt lại : “Tác giả đã sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu (hoặc là chính)?”

Ở câu hỏi 3 phần này, cách diễn đạt câu hỏi cũng như tung hỏa mù cho thí sinh : “Theo tác giả của bài viết thời gian nhàn rỗi có liên quan gì đến những vấn đề trong xã hội?” Thí sinh sẽ không hiểu “những vấn đề trong xã hội” là những vấn đề gì? Hay cứ liên quan đến vấn đề nào trong xã hội thì phải trả lời hết.

Cách hỏi chung chung như thế, theo giáo viên thí sinh sẽ không thể định hình câu trả lời được.

Câu hỏi 4 cũng rất mênh mông : “Anh/chị hãy nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề thời gian nhàn rỗi của giới trẻ ngày nay trong khoảng 5 – 7 dòng”. Chỉ với 5 đến 7 dòng (và cả với thời gian hạn hẹp ấy) mà yêu cầu thí sinh nêu quan điểm riêng về một vấn đề mênh mông như vậy (vấn đề thời gian nhàn rỗi của giới trẻ) thì quả thật là đánh đố.

Sai chính tả

Ngữ liệu thứ hai của phần đọc hiểu, đề thi dẫn bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư. Tuy nhiên, phần dẫn trong đề mắc lỗi sai từ ở câu thơ thứ 4 : “Tôi nhớ me tôi thưở thiếu thời”. Đúng trong văn bản thơ của Lưu Trọng Lư là “Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời”. Chỉ khác nhau chữ “ư” và chữ “u”, theo giáo viên này không phải lỗi đánh vi tính mà là lỗi về kiến thức cơ bản.

Trong phần II (làm văn), câu 1 – nghị luận xã hội, đề bài trích dẫn một câu nói cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ và nêu : “Từ ý kiến trên, anh/chị suy nghĩ gì về vấn đề sống nhanh, sống chậm thời @ của giới trẻ. Hãy trình bày suy nghĩ đó trong một bài văn ngắn khoảng 600 chữ”.

Không nói đến cách diễn đạt, theo giáo viên “Chữ”và “từ” là hoàn toàn khác nhau.

Ở câu 2 của phần này – nghị luận văn học, đề thi dẫn ra 2 đoạn trích thuộc 2 truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) và Vợ nhặt (Kim Lân), yêu cầu thí sinh cảm nhận. Tuy nhiên trong đoạn trích từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, có những lỗi sai không đáng có: sai một từ và thiếu 2 từ. Từ dẫn sai là “biết” trong câu :

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi …

“Bắt” viết thành “biết”. Tiếp đó, hai từ thiếu trong 2 câu : “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết” ; “Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. 

Sở GD-ĐT Hưng Yên nói gì?

Chiều 11/5, trao đổi với VietNamNet, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho biết: “Trong kỳ thi thử THPT quốc gia vừa qua, lỗi sai ở việc đánh số thứ tự, lỗi chính tả ở từ “bắt” chuyển thành “biết” đã được phát hiện kịp thời và xử lí ngay trong buổi thi”.

Qua trao đổi nhanh, ông Phê cho biết phía các thành viên ra đề cho biết, việc trích dẫn nội dung các câu hỏi là “đúng theo nội dung của SGK. Các câu hỏi về cơ bản đúng theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, đảm bảo đánh giá được năng lực người học, có khả năng phân loại người học.

Tuy nhiên, về những sai sót khác trong đề thi ông Phê cho hay, sở chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của thầy cô, học sinh và dư luận xã hội. “Chúng tôi sẽ sớm cho xác minh và thông tin đầy đủ về việc này” – lời ông Phê.

  • Văn Chung