Ngày 8/6, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, nơi đây đã tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhi bị bỏng nặng vì tai nạn cháy nổ ngay khi mới vào hè. 

Cụ thể, bệnh nhi sinh năm 2014 gặp nạn từ cồn sát khuẩn trong nhà.  Do bố hay đi công tác nên gia đình em thường trang bị cồn để sát khuẩn. Trong lúc không để ý, bé cầm chai cồn chạy qua khu bếp đang nấu thức ăn. Hậu quả là lửa bén vào quần áo, khiến em bị cháy trong khoảng một phút trước khi được người nhà dội nước cứu.

Các bé bị bỏng nặng ở nhiều vùng trên cơ thể và được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM

Còn bệnh nhi sinh năm 2019 bị bỏng nặng do xăng. Bố em là thợ sửa máy, trong lúc làm việc đã chiết bình xăng ra ngoài. Em đang chơi gần đó bất cẩn làm đổ xăng, an xuống khu vực nhà bếp dẫn đến phát hỏa. Ngọn lửa cháy quá nhanh khiến cả nhà không kịp xử trí và bé bị bỏng nặng.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, các bệnh nhi trên bị bỏng nặng độ 2, 3 vùng mặt, cổ, ngực, bụng, vai, cánh tay, cẳng chân, bộ phận sinh dục. Sau khi được y bác sĩ tận tình cứu chữa, các bé đã hồi phục và được xuất viện.

Bỏng là một trong những tai nạn phổ biến trẻ nhỏ gặp phải. Nguyên nhân thường do nước sôi, thiết bị điện, các tai nạn cháy, nổ… gây ra. Trường hợp nhẹ, trẻ bị hư da, nhiễm trùng, nếu nặng hơn có thể lại sẹo co rút, sẹo lồi thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhi. 

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên hết sức thận trọng, để các chất dễ cháy, nổ ở xa tầm tay của trẻ cũng như thường xuyên kiểm tra các nguồn điện, thiết bị điện để đảm bảo an toàn cho trẻ và cả gia đình.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 còn thường tiếp nhận trẻ bị đuối nước trong dịp hè. Tai nạn này thường xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối. Đây là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, gây co thắt thanh quản dẫn đến tắc nghẽn đường thở khi nạn nhân ở trong nước.

Trong trường hợp bị ngạt quá 4 phút sẽ bị tổn thương não, quá 10 phút có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng não nặng nề. Phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước cho con bằng việc cho trẻ học bơi. Ngoài ra, chỉ nên cho trẻ tham gia các hoạt động dưới nước trong tầm kiểm soát để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

Linh Giao

Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?

Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?

Nhiều bệnh nhân Whitmore được điều trị theo các chẩn đoán khác nhau trước khi phát hiện mắc loại vi khuẩn "ăn thịt người". Ngay cả khi chẩn đoán đúng, nhiều bệnh nhân bỏ cuộc vì điều trị rất lâu, tốn kém.