“May thay, Phó Đề Đốc Perry đã đến”! Đấy là một câu trong tác phẩm “Bàn về văn minh” của Fukuzawa Yokichi, một tác phẩm mang tính bản lề về tư tưởng, tạo nên cuộc cải cách Minh Trị nổi tiếng của người Nhật ở cuối thế kỷ 19. Tất cả những ai đọc tác phẩm này đều ngỡ ngàng với nhận định này. Ngỡ ngàng là bởi, Phó Đề Đốc Perry thực chất là một vị tướng xâm lược.

Học giả Obata ở Đaị học Keio đã viết về câu chuyện này như sau: “Người Hoa Kỳ khi lần đầu tiên đến nước ta đề nghị giao tế, họ cử Phó Đề đốc hải quân Perry dẫn chiến hạm xâm nhập lãnh hải nước ta, ép ta phải miễn cưỡng mở cửa cho thương mại. Lý lẽ của họ đưa ra lúc ấy là: “Chúng ta cùng sống dưới một vòm trời, cùng bước chân trên một mặt đất, là anh em trên địa cầu này. Thế mà vẫn cự tuyệt sự giao hảo, thì chính là tội nhân với đấng trên Trời vậy. Dù có xảy ra chiến tranh đi nữa, thì vẫn phải cho chúng tôi thực hiện việc thương mại”. Lời nói nghe lớn lao và hợp lẽ, nhưng thật đúng là thủ đoạn ghê gớm. Lời nói và hành động của họ hoàn toàn trái ngược nhau. Bỏ hết những hình thức trong lý lẽ của họ, thì sự thực tóm lại là “nếu không cho giao thương thì ta giết…”.

Khônng riêng gì Obata, nhiều học giả Nhật Bản cuối thế kỷ 19 đều có cái nhìn giống ông về Phó Đề Đốc Perry nói riêng, và những chiến thuyền xâm lược nói chung. Vậy chẳng nhẽ riêng Fukuzawa nhìn khác? Chẳng nhẽ riêng Fukuzawa lại thấy Phó Đề Đốc Perry đáng mến?

Không! Sự thực là cũng giống như những nhà yêu nước Nhật Bản, Fukuzawa thấu hiểu bản chất xâm lược phía sau lời đề nghị giao thương của Perry. Vậy thì tại sao ông vẫn thốt lên: “May thay Phó Đề Đốc Perry đã đến”? Là vì khi Perry đến – khi kẻ thù đến – khi tên xâm lược đến thì những nhà yêu nước có đầu óc cải cách như Fukuzawa chợt nhận ra: đất nước của mình đã bị thế giới văn minh bỏ xa quá rồi. Chính sự xuất hiện của Perry khiến những người như Fukuzawa hiểu rằng, đất nước bây giờ chỉ có 2 con đường: hoặc là cải cách, hoặc là chết. Mà muốn cải cách thì trước mắt phải học chính cái văn minh của kẻ thù, để chờ đợi một ngày hùng mạnh như kẻ thù.

Phải học những khía cạnh văn minh của kẻ thù, đấy là điều mà không phải trí thức Nhật Bản nào lúc đó cũng chấp nhận được. Một trong những người đó chính là em họ của Fukuzawa. Và người em họ này đã lên kế hoạch ám sát Fukuzawa vì không thể chịu nổi cái luận điệu “học hỏi văn minh của kẻ thù” mà Fukuzawa đề xuất. Lịch sử ở đâu câu cũng thế: luôn có những người con người/nhóm người yêu nước theo những cách khác nhau, và luôn có những con người/nhóm người muốn độc quyền yêu nước. Chỉ cần yêu nước khác cách với mình người ta sẽ nghi kỵ và tìm cách trừ khử. Rất may, Fukuzawa đã thoát chết trong một kịch bản ngoạn mục như phim hành động. Tuy nhiên những quan điểm và những cách yêu nước khác nhau của các trí thức Nhật Bản thời kỳ đó chưa phát triển gay gắt tới mức tạo ra một cuộc nội chiến nồi da sáo thịt. Với những vận động và tích cực của mình, cuối cùng phe cải cách thắng thế - cuộc cải cách Minh Trị được thực hiện- và những giá trị đáng ngưỡng mộ của nước Nhật hiện đại bắt đầu từ đây.

{keywords}
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay – một Việt Nam mở cửa, phát triển, đang đối diện với nhiều vận hội mới mà cũng nhiều thách thức mới, “những việc cần làm ngay” của giới trí thức đương đại là gì?

Kể lại câu chuyện của Fukuzawa ở tận nước Nhật Bản, thuộc về hơn 100 năm trước không phải để ca ngợi một hướng đi – một mô hình mà dòng thời gian đã chứng minh tính đúng đắn của nó. Cái đúng đắn mà cả thế giới này đều thấy, và không có gì phải bàn cãi nữa. Kể lại câu chuyện của Fukuzawa là để thấy ở trong những cơn vật lộn, chuyển giao của lịch sử thì vai trò của người trí thức – những người có thể sản xuất ra tư tưởng và truyền bá tư tưởng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tư tưởng ấy, trong rất nhiều trường hợp thường vượt tầm thời đại, và chính vì vượt tầm thời đại, người trí thức đôi khi sẽ bị những lực kéo bảo thủ kéo mình lại, thậm chí đưa mình vào những vòng xoáy nguy hiểm. Lúc này, người trí thức có lẽ cần một phẩm chất thứ 2 vô cùng quan trọng: tinh thần dũng cảm! Chính tinh thần dũng cảm và một cái nhìn vượt tầm thời đại (trong khuôn khổ của nước Nhật thời phong kiến) đã tạo nên một Fukuzawa được đánh giá như một biểu tượng về giá trị, được đông đảo trí thức và nhân dân Nhật Bản ngày nay tưởng nhớ.

Khi viết hai chữ “ngày nay” chúng tôi hiểu rằng thế giới của thế kỷ 21 đã khác xa thế giới của thời cuối 19 đầu 20 mà những Fukuzawa, Obata, Perry đã sống. Thế giới cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 xuất hiện một xu hướng chính trị phổ biến: giới trí thức/tinh hoa của mỗi dân tộc luôn có vai trò lớn trong việc trực tiếp dẫn dắt một dân tộc. Điều này được thể hiện ở chính Việt Nam, thông qua việc cụ Trần Trọng Kim đã mời hàng loạt trí thức dân tộc tham gia một chính phủ có tuổi đời chóng vánh do mình đứng đầu.

Còn hiện nay, thế giới ở thế kỷ 21 lại tôn vinh một xu hướng chính trị khác: quyền bình đẳng công dân, và vai trò của mỗi công dân trong việc tạo dựng thể chế và chính sách quốc gia. Trong xu thế này, quốc gia nào có trình độ dân trí cao thì nguy cơ lầm lạc trong việc tạo dựng này càng thấp; quốc gia nào có trình độ dân trí thấp thì nguy cơ lầm lạc càng cao. Nhưng ngay cả ở xu thế thứ 2  thì vai trò của trí thức trong lòng mỗi dân tộc vẫn là vô cùng quan trọng, vì trí thức với công việc sản xuất/tiếp nhận/truyền bá tư tưởng sẽ tác động ghê gớm vào quá trình nâng cao hay đẩy lùi dân trí.

Vậy thì trong bối cảnh Việt Nam hiện nay – một Việt Nam mở cửa, phát triển, đang đối diện với nhiều vận hội mới mà cũng nhiều thách thức mới, “những việc cần làm ngay” của giới trí thức đương đại là gì? Đây là một câu hỏi ám ảnh cá nhân tôi nhiều năm nay, và vì thế từ nhiều năm nay tôi đã tiếp cận với nhiều trí thức, ở nhiều lĩnh vực khác nhau – những người mà tôi biết chắc là luôn đau đáu đến vận mệnh và sự phát triển của dân tộc để tìm kiếm câu trả lời. Và tôi xin tạm phác thảo hai vấn đề được các trí thức đương đại tâm tư, chia sẻ nhiều nhất.

Thứ nhất, đó là phải cấp thiết xây dựng một khái niệm mới về độc lập dân tộc. Một quốc gia dân tộc muốn hưng thịnh nhất thiết phải độc lập, nhưng nội hàm của khái niệm độc lập dân tộc là gì để có thể đảm bảo một sự phát triển bền vững, đấy là bài toán khó nhất cho giới trí thức ngày nay. Trong cái nhìn trước đây, độc lập dân tộc thường chỉ gắn với chủ quyền lãnh thổ. Khi Lý Thường Kiệt viết “Sông núi nước Nam vua Nam ở” thì có nghĩa là ông đã đặt chủ quyền lãnh thổ (sông/núi) lên trước và đặt “vua Nam” vào đó. Khi Nguyễn Trãi viết “Núi sông bờ cõi đã chia/phong tục Bắc – Nam cũng khác” thì một lần nữa ông lại coi vấn đề chủ quyền lãnh thổ là tiên quyết.

Cho đến nay, định nghĩa này vẫn còn nguyên giá trị và chắc chắn là nó vẫn luôn có giá trị trong tương lai. Nhưng có lẽ đã đến lúc phải mở rộng nội hàm của nó, để thấy rằng độc lập dân tộc không chỉ gắn với chủ quyền núi sông; độc lập dân tộc còn phải gắn liền với những hàn gắn trong tâm hồn dân tộc; độc lập dân tộc còn phải gắn liền với việc bằng mọi cách xác lập những giá trị văn minh cho dân tộc…Có nghĩa là, ngay cả khi chủ quyền lãnh thổ đã được đảm bảo, nhưng lòng người chưa được hàn gắn, các giá trị văn minh chưa được xác lập…thì vẫn chưa thể tự tin khẳng định về giá trị của nền độc lập.

Ngay từ thời mà Nhật Bản bị ngoại bang xâm phạm ở cuối thế kỷ 19, Fukuzawa đã chỉ ra một nội hàm của “độc lập dân tộc” rất đáng tham khảo: “Cả Quốc thể luận, Thiên chúa Giáo hay Nho giáo cũng không đủ để củng cố lòng dân. Vậy thì điều gì mới làm được đây? Tôi cho rằng, chỉ có một điều mà thôi: “Xác lập rõ mục tiêu của chúng ta và tiến bước tới văn minh. Chỉ có vậy và không gì khác” (Bàn về Văn minh). Theo học giả lỗi lạc này nói đến độc lập dân tộc mà chỉ nói đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì mới chỉ đụng chạm đến cái vỏ vật chất của khái niệm. Nhất thiết phải nói đến cái tinh thần bên trong, cái hồn cốt giá trị của nó nữa, và cái bên trong chính là việc phải xác lập được những giá trị văn minh.

Ở đây, Fukuzawa còn cẩn thận chỉ ra những ảo tưởng về văn minh, tức là những biểu hiện dễ khiến dân tộc tưởng là “văn minh” nhưng thực chất hoàn toàn trái ngược. Ông lấy ví dụ về việc xung quanh các cảng biển Nhật Bản ở cuối thế kỷ 19 là một khung cảnh phồn thịnh rực rỡ của những nhà cửa, thuyền bè, và rất nhiều người Nhật nhìn vào sự phồn thịnh rực rỡ đó để tự hào về sự tiến bộ của văn minh nước nhà. “Thật là một ngộ nhận quá lớn…Cảng thị phồn vinh đương nhiên là biểu hiện của văn minh, nhưng thương thuyền trên bến là của ngoại bang, và thương quán trên bờ cũng là nơi ở của người nước ngoài. Tất cả đều không liên quan chút nào đến độc lập và văn minh của nước Nhật chúng ta” – ông kết luận. Những lời kết luận này là để đánh giá về cái thực trạng “nguỵ văn minh” của nước Nhật khoảng 100 năm trước, nhưng bây giờ đọc lại chắc chắn chúng ta vẫn thấy nhiều điều thấm thía. Và càng thấm thía, chúng ta càng thấy một nhu cầu bức thiết về việc phải xác lập một nội hàm mới, gắn liền với những giá trị thực chất của khái niệm độc lập dân tộc thời đương đại.

Thứ hai, phải xây dựng được một triết lý phát triển. Trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước dân tộc chúng ta đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều hệ tư tưởng khác nhau từ Phật giáo đến Nho giáo, từ phương Đông đến phương Tây... Có những giai đoạn chúng ta tiếp nhận tư tưởng và cải biến. Có những giai đoạn chúng ta tiếp nhận tư tưởng và cắt gọt. Có những giai đoạn chúng ta tiếp nhận tư tưởng và rập khuôn. Nhưng đến lúc này, suy cho cùng giới trí thức cần đặt ra câu hỏi: Chúng ta đã thực sự có một triết lý phát triển của Việt Nam trùng khít với đặc điểm văn hoá và con người Việt Nam? Nếu câu trả lời là chưa thì nhất thiết phải tìm ra nó, vì nhất thiết phải tìm ra nó thì mới có thể trả lời được câu hỏi đầy trăn trở: Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước như thế nào?.

Muốn hình dung ra mình sẽ là một đất nước như thế nào thì phải sớm trả lời xem: Tư tưởng của dân tộc mình sẽ như thế nào? Trả lời được câu hỏi về tư tưởng dân tộc chúng ta sẽ hình dung ra được cách thức tồn tại của dân tộc bên cạnh những người hàng xóm, bên cạnh bạn bè năm châu, bên cạnh những đối tượng và đối tác xa gần. Trả lời được câu hỏi quan trọng này, chúng ta cũng sẽ hình dung ra được cách ứng xử nhất quán với những vấn đề nội sinh trong lòng dân tộc. Nhìn sang người hàng xóm Trung Quốc, với câu nói đơn giản nhưng nổi tiếng một thời: “Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột…”, đấy có thể coi là một mảnh vỡ của một tư tưởng, và nhờ cái mảnh vỡ tư tưởng đó mà người Trung Quốc đã biết cách bước qua một thời kỳ. 

Hàng ngàn năm quân chủ chuyên chế, rất nhiều thời điểm mà dân tộc chúng ta chỉ cần giữ được nước đã là đại thành công. Chúng ta luôn biết ơn và ngưỡng mộ tiền nhân của mình vì điều đó. Nhưng bây giờ thì giữ nước, xác lập chủ quyền vẫn là chưa đủ. Xây dựng một nội hàm mới, rộng hơn và thực chất hơn cho khái niệm độc lập dân tộc thời bình với nhiều diễn biến phức tạp vì vậy là cần thiết.  

Trong đó, vai trò của những trí thức dân tộc là vô cùng quan trọng. Và đấy chắc chắn là công việc đòi hỏi giới trí thức vừa phải có tầm nhìn sáng suốt, vừa phải có tinh thần dũng cảm!

Phan Đăng