Theo Reuters, căng thẳng quốc tế đang gia tăng sau một loạt vụ bắn thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần đây, các hành động đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) cấm từ lâu. Tháng 1 năm nay là tháng ghi dấu kỷ lục các vụ thử nghiệm vũ khí như vậy, với ít nhất 7 vụ phóng, bao gồm cả một loại tên lửa siêu thanh mới, có khả năng cơ động ở vận tốc cao.

{keywords}
Các bức ảnh chụp vụ thử tên lửa Hwasong-12 do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 31/1.

Trong số các vụ thử nghiệm cũng có vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, được mệnh danh là "sát thủ đảo Guam" do có khả năng tấn công lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 8/2 nhấn mạnh, một loạt các vụ phóng vũ khí từ đầu năm 2022 thể hiện "những thành tựu đáng kể", giúp tăng cường "khả năng răn đe chiến tranh" của quốc gia Đông Bắc Á. Tuyên bố cũng đề cập đến Hwasong-15, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa nhất của Triều Tiên, được quảng cáo có thể mang đầu đạn hạt nhân phóng tới bất cứ đâu thuộc Mỹ nhưng chưa được sử dụng kể từ lần bắn thử đầu tiên năm 2017.

"Trong thế giới ngày nay, nơi nhiều quốc gia lãng phí thời gian tương tác với Mỹ bằng sự khuất phục và phục tùng mù quáng, chỉ có đất nước của chúng tôi trên hành tinh này có thể làm rung chuyển thế giới bằng cách bắn tên lửa vào nội địa Mỹ. Có hơn 200 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ một số ít sở hữu bom khinh khí, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa siêu thanh", trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.

Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao Mỹ lặp lại các phát biểu trước đây rằng, nước này không có ý định thù địch Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gọi Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế cũng như các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

"Mỹ có lợi ích thiết yếu trong việc răn đe (Triều Tiên), phòng thủ trước các hành động khiêu khích hoặc sử dụng vũ lực, hạn chế phạm vi của các chương trình vũ khí nguy hiểm nhất của nước này và trên hết là giữ an toàn cho người dân Mỹ, các lực lượng Mỹ đã triển khai và các đồng minh của chúng tôi", người phát ngôn nói.

Theo Jenny Town, giám đốc 38 North, một chương trình theo dõi Triều Tiên có trụ sở tại Washington, việc Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra tuyên bố khiến nó ít mang tính đe dọa hơn.

Triều Tiên đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội hôm 8/2, sự kiện thường đánh dấu bằng các cuộc diễu binh quy mô lớn với tên lửa và các loại vũ khí khác trong những năm trước. Song, năm nay, truyền thông nước này không đưa tin về một cuộc diễu binh như vậy. Thay vào đó, các sĩ quan cấp cao của quân đội Triều Tiên đã tới thăm lăng mộ của các cố lãnh đạo đất nước.

Tuấn Anh

Triều Tiên xác nhận các vụ thử nghiệm vũ khí mới

Triều Tiên xác nhận các vụ thử nghiệm vũ khí mới

Truyền thông Triều Tiên xác nhận, Bình Nhưỡng đã cho thử một tên lửa hành trình tầm xa nâng cấp và một đầu đạn tên lửa chiến thuật trong tuần này, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi thăm một nhà máy sản xuất vũ khí quan trọng.

Hé lộ căn cứ tên lửa bí mật của Triều Tiên

Hé lộ căn cứ tên lửa bí mật của Triều Tiên

Một viện nghiên cứu Mỹ tuyên bố đã nhận diện được một căn cứ quân sự của Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc nhiều khả năng là nơi cất giữ các tên lửa đạn đạo liên lục địa.