Theo Reuters, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ đã đưa ra nhận định trên dựa vào các hình ảnh vệ tinh ngày 21/1 chụp căn cứ ở Hoejung-ni, tỉnh Chagang của Triều Tiên, cách thủ đô Bình Nhưỡng 280km về phía đông bắc và chỉ cách biên giới với Trung Quốc khoảng 25km.
Hình ảnh một vụ tên lửa siêu thanh từ cơ sở bí mật của Bình Nhưỡng, do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 11/1/2022. |
"Căn cứ điều hành tên lửa Hoejung-ni có thể là nơi đặt một đơn vị cỡ trung đoàn, được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), theo các nguồn tin. Nếu các ICBM không được đưa vào hoạt động trong thời gian tới, nhiều khả năng các tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sẽ được triển khai”, trích báo cáo của các chuyên gia CSIS. Họ lưu ý thêm, Triều Tiên đã cho bắn thử một tên lửa IRBM Hwasong-12 từ tỉnh Chagang vào tháng trước.
Hoejung-ni được tin là một trong khoảng 20 căn cứ tên lửa đạn đạo bí mật của Triều Tiên. Mặc dù quá trình xây dựng đã bắt đầu cách đây 20 năm nhưng đây là một trong những căn cứ mới nhất được hoàn thành.
Theo CSIS, cho đến tháng 1 năm nay, không có dấu hiệu về hệ thống ICBM nào tại Hoejung-ni và cũng không có các vị trí phòng thủ, chống máy bay nào trong phạm vi bán kính 10km. Căn cứ tên lửa đất đối không gần nhất có thể nhận diện được cách cơ sở này khoảng 50km.
Tuy nhiên, các ảnh vệ tinh phản ánh Hoejung-ni đang ở trạng thái hoạt động và bảo quản tốt theo các tiêu chuẩn của Bình Nhưỡng. Cơ sở đang tiếp tục trải qua quá trình phát triển hạ tầng quy mô nhỏ.
Các nhà phân tích đánh giá, việc bố trí các ICBM quá gần Trung Quốc sẽ khiến bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào nhằm vào chúng đều gặp khó khăn, do tiềm ẩn nguy cơ chạm đến lãnh thổ Trung Quốc.
Báo cáo của CSIS được công bố không lâu sau khi hàng loạt vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên làm dấy lên lo ngại nước này có thể khôi phục các vụ thử ICBM. Bình Nhưỡng từng để ngỏ khả năng khởi động lại hoạt động thử nghiệm từng bị tạm ngưng từ năm 2017, với lí do Washington không có dấu hiệu từ bỏ "các chính sách thù địch" chống quốc gia Đông Bắc Á.
Khi được hỏi về báo cáo của CSIS, Trung tá Marty Meiners, phát ngôn viên của Bộ quốc phòng Mỹ đã từ chối bình luận về "các vấn đề tình báo hoặc phân tích hình ảnh thương mại".
"Tuy nhiên, chúng tôi đã nói rất rõ ràng về mối đe dọa do các chương trình tên lửa của Triều Tiên gây ra cũng như cam kết của chúng tôi đối với việc bảo vệ Hàn Quốc, Nhật và lãnh thổ Mỹ cùng cam kết của chúng tôi trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Meiners nhấn mạnh.
Cuối tuần trước, Reuters đưa tin, hãng thông tấn này đã có trong tay trích đoạn một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc, với nội dung cho biết Triều Tiên đã tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong năm qua.
Tuấn Anh
>>> Đọc tin quân sự thế giới mới nhất trên Vietnamnet
Trung Quốc mách Mỹ cách đạt đột phá với Triều Tiên
Phái viên Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân ngày 4/2 cho biết, chìa khóa để giải quyết các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nằm trong tay Mỹ.