Chử Hồng Ngọc, sinh năm 2001, tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay với 8,43/10 điểm. Nhận bằng cử nhân muộn hơn so với các bạn đồng trang lứa, Ngọc cho biết điều đó không làm em cảm thấy tiếc nuối hay bỏ lỡ điều gì.

“Ở tuổi 18, em từng mất phương hướng khi học một ngành bản thân không cảm thấy yêu. Em loay hoay nhưng cũng không muốn sống mãi trong sự hối hận. Khi lựa chọn sai, em quyết định sẽ làm lại. Nhờ thế, em đã tìm ra đam mê của bản thân, quyết tâm và kỷ luật hơn xưa”, Ngọc nói.

z5692471434340_85db2c15432bf3b6f4b62513bc976df1.jpg
Chử Hồng Ngọc là thủ khoa đầu ra hệ cử nhân của Trường ĐH Y Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Trước đó, Hồng Ngọc là học sinh của Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội). 2019 là năm đầu tiên Ngọc thi đại học. Khi ấy, em cũng rất yêu thích ngành Y, nhưng vì là dân khối A nên Ngọc không đủ dũng khí để chuyển hướng. Sau đó, nữ sinh thi và đỗ vào ngành Luật của Trường ĐH Luật Hà Nội.

Năm đầu tiên học tại trường Luật, Ngọc nhận ra bản thân dù rất chăm chỉ và cố gắng nhưng vẫn không cảm thấy đây là nơi mình muốn thuộc về.

“Em đã đấu tranh rất nhiều, nhưng ngay khi còn cách kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng 3 tháng, em quyết định buông. Khi ấy, dịch Covid-19 bùng phát khiến các trường phải chuyển sang học online. Cũng vì dịch, kỳ thi năm 2020 bị lùi muộn hơn so với mọi năm khoảng 1 tháng. Em nghĩ mình cần thử một lần để không phải sống mãi trong sự hối hận vì đã từ bỏ quá sớm”.

Giai đoạn ấy, một người bạn cùng lớp đại học của Ngọc cũng có ý định thi lại vào một ngôi trường khác. Gặp được người cùng chung chí hướng, cả hai hàng ngày cổ vũ, truyền động lực học cho nhau dù không thi chung một khối.

Ngọc không chọn bảo lưu kết quả mà tiếp tục vừa học tại trường Luật, vừa tự ôn thi tại nhà. “Trước đây, em luôn duy trì thói quen tự học là chính và hạn chế đi học thêm. Kiến thức vẫn còn vẹn nguyên nên việc ôn tập lại cũng không quá áp lực”, Ngọc nói.

Bỏ lỡ một năm, nữ sinh trân trọng cơ hội được làm lại, vì thế suốt 3 tháng trước kỳ thi, Ngọc đặt quyết tâm và giữ kỷ luật cao. Em chỉ tham gia một khóa học online môn Sinh để củng cố kiến thức, còn lại tự ôn luyện tại nhà.

Tuy nhiên, Ngọc cũng cho rằng trong vòng 3 tháng, em không đủ sức “bứt phá” để thi vào ngành Y khoa. Sau khi tham khảo ý kiến của một số anh chị khóa trên, Ngọc quyết định nộp hồ sơ vào ngành Dinh dưỡng.

“Đây là một ngành còn khá mới nên em cũng rất lo lắng. Nhưng vì “chấp niệm” phải học Y Hà Nội, em quyết định đăng ký vào và may mắn vừa đủ điểm đỗ”.

z5695749114268_9683a648611d1e8a8b6892064749fcc5.jpg
Ngọc đại diện các tân cử nhân phát biểu trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp hôm 1/8. (Ảnh: NVCC)

Khi Ngọc quyết định thi lại, bố mẹ ra sức ngăn cản vì Luật vốn là một trường danh tiếng, nếu bỏ dở sẽ rất hoài phí. Đến khi thi đỗ vào ngành Dinh dưỡng, bố mẹ vẫn còn nghi ngờ vì sợ con gái sẽ hối hận với quyết định này.

Bản thân Ngọc khi vào trường cũng rất tự ti. Dẫu vậy, vì đã bỏ lỡ 1 năm, Ngọc xác định mục tiêu khá rõ ràng là tận dụng thời gian để học và rèn nghề thật tốt. Trong các bài tập nhóm, nữ sinh luôn đảm nhận vai trò làm nhóm trưởng dù điều này sẽ vất vả hơn các bạn.

“Khi làm nhóm trưởng trong các bài tập, em sẽ phải tìm hiểu trước bài học để giao nhiệm vụ cho tất cả. Điều này sẽ giúp em hiểu bài sâu, kỹ càng hơn. Khi về nhà, em cũng hay sơ đồ hóa kiến thức để mỗi khi xem lại sẽ dễ hiểu, dễ nhớ những nội dung quan trọng”.

Nhờ cách học này, ngay từ kỳ đầu tiên, Ngọc đã giành được học bổng khuyến khích của trường. Điều ấy cũng giúp bố mẹ dần tin tưởng vào sự lựa chọn của em.

Lên năm 2, khi bắt đầu tiếp xúc với các môn chuyên ngành, Ngọc càng thấy thích thú với mảng Dinh dưỡng. Khác với các ngành cử nhân khác, theo Ngọc, ngành Dinh dưỡng vẫn phải học lâm sàng, thăm khám và viết bệnh án như các ngành bác sĩ. Khi hiểu rõ về bệnh, chuyên gia mới có thể đưa ra chiến lược can thiệp và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

“Từ khi đi lâm sàng môn Dinh dưỡng điều trị, em cảm thấy ngành này không đơn giản chỉ là những con số liên quan đến nhu cầu về chất này hay chất khác mà sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Mỗi bệnh sẽ có một phương pháp can thiệp khác nhau.

Thậm chí, có những người bị các bệnh kết hợp, phương pháp can thiệp sẽ khó hơn và cần phải ưu tiên từng loại bệnh để can thiệp trước. Điều đó sẽ phức tạp hệt như việc điều trị trong y khoa”.

z5695749613497_19c668d84155e3f167fd395d0f291c58.jpg
Hồng Ngọc và bố mẹ (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh việc học, Hồng Ngọc cũng tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ 3. Em có một bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề rối loạn ăn uống được chia sẻ tại một hội thảo trong nước và một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế liên quan đến việc sử dụng sữa.

Ngoài ra, nữ sinh còn tham gia một số cuộc thi về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và áp dụng vào ngành y tế như dự án “Mom&Kid: Chăm sóc sức khỏe mẹ và bé” hay dự án “BeaLIFE: Mạng lưới kết nối những người nhiễm/nghi nhiễm HIV/AIDS”...

Việc trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Y Hà Nội là điều không tưởng với Ngọc vì em cho rằng trường y có rất nhiều bạn chăm chỉ và rất xuất sắc. “Điều em có được là sự nỗ lực hoàn thiện bản thân qua từng môn học vì em hiểu rằng, nếu không cố gắng, bản thân sẽ không còn cơ hội làm lại như trước”.

Hiện tại, Ngọc đang công tác tại một phòng khám tư. Em cho biết sẽ tiếp tục học lên cao hơn và mong muốn được tham gia giảng dạy tại một cơ sở giáo dục đại học nếu có cơ hội.