Đây là lời hịch hào hùng động viên toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, là áng văn bất hủ, một trong những văn bản quan trọng của lịch sử nước nhà.
Ông Lê Chí Nam, cán bộ Văn phòng Quân sự uỷ viên hội kể lại, vào đêm 14 hoặc 15/12/1946, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức trọn đêm để viết. Sáng hôm sau, sau khi nghe Nam báo cáo tình hình giặc Pháp khiêu khích ở các nơi, Bác đã lấy bản thảo đọc cho Lê Chí Nam nghe.
Đọc xong Bác hỏi: Cháu có hiểu không? Viết như thế đồng bào nghe có hiểu không?
Lê Chí Nam thưa: Cháu hiểu được, dễ hiểu lắm.
Bác xem lại lần nữa, lấy bút sửa một vài chỗ rồi bảo Lê Chí Nam đem bản thảo do Bác viết đến hỏi chú Văn (Võ Nguyên Giáp) và chú Nhân (Trường Chinh) xem có thêm bớt gì nữa không?
Khi ấy, ông Võ Nguyên Giáp làm việc cách Bác mấy nhà, còn ông Trường Chinh ở thôn bên cạnh. Ông Võ Nguyên Giáp đọc xong, Lê Chí Nam đem sang cho ông Trường Chinh.
Sáng 19/12, sau khi đọc và sửa chữa một số chỗ trong bản thảo do Bác Hồ viết, ông Trường Chinh bảo Lê Chí Nam đem về sao lại, đưa nhà in và tối đến thì điện cho các địa phương (Bút tích Bác Hồ và chỗ sửa chữa của ông Trường Chinh vẫn còn rất rõ trong bản gốc lưu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
Chấp hành mệnh lệnh, Lê Chí Nam đánh máy nhiều bản, bản được chuyển cho báo Cứu Quốc, bản được giao thông đặc biệt chuyển đến Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó đóng tại chùa Trầm (Chương Mỹ).
Đêm 19/12/1946, quân dân Hà Nội đồng loạt tấn công các địa điểm trong toàn thành phố, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Sáng hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Nhà in báo Cứu quốc cũng kịp thời in hàng nghìn bản để chuyển về các nơi. Trong số báo ra ngày hôm sau, lời hịch của Bác được in hết sức trang trọng và đầu đề Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là do chính ông Xuân Thuỷ - chủ nhiệm báo - đặt.
Bản thảo Lời kêu gọi được Lê Chí Nam trân trọng cất giữ. Đến năm 1952, khi nhận quyết định điều động vào Liên khu 5 công tác, trên đường đi phải qua vùng địch chiếm, đề phòng bất trắc, trước khi rời chiến khu Việt Bắc, anh cẩn thận cất bản thảo trong một gói tài liệu riêng và gửi ở gia đình một đồng bào Tày ở xã Bình Yên, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.
Đến năm 1956, khi có dịp trở lại, anh xin gia đình gói tài liệu. Năm 1970, anh trao bản thảo Lời kêu gọi của Bác Hồ cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thổi bùng lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần đấu tranh của quân và dân Việt Nam, quyết hy sinh thân mình để giành lại độc lập dân tộc, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến thành công.
Dù ra đời cách đây 75 năm, nhưng ngày nay Lời kêu gọi vẫn như tiếng kèn xung trận thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giành thắng lợi trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước Việt Nam đến hùng cường. Đó chính là ý nghĩa to lớn của lời hịch thời đại Hồ Chí Minh thể hiện ở Lời kêu gọi.
Nguyễn Thị Thu (Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an)
Tượng đài trong trái tim nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
Với nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “tượng đài” trong trái tim, là người thầy ông trân quý và noi gương suốt cuộc đời mình.