Thời gian gần đây trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nhất là ở Đắk Lắk đã xuất hiện loại cây trồng mới, đó là cây đàn hương. Loại cây này du nhập từ Ấn Độ, được quảng bá là mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đặc thù của cây đàn hương là sống ký sinh, rễ bám chặt vào rễ cây chủ hút dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển. Do đó đàn hương không trồng riêng biệt và đông đặc như cà phê, hồ tiêu. Cây chỉ sống khi được trồng xen vào vườn cà phê hoặc cây ăn quả, nhất là các loại cây ăn quả có múi.
Loại cây mới này được xem là một cơ hội để giúp bà con trên địa bàn Tây Nguyên chuyển đổi cây trồng, cải thiện cuộc sống trong tình trạng giá hồ tiêu, cà phê lao dốc, nhiều vườn cam, quýt, bưởi già cỗi, không cho thu nhập cao như những năm trước, người trồng lâm cảnh nợ nần chồng chất.
Vườn ươm cây giống đàn hương ở huyện Buôn Đôn. |
Bà Võ Hạnh Vinh, chủ trang trại Trái cây sạch Đắk Ha, ở thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đã mua 2.000 cây đàn hương giống từ Ấn Độ về và nhờ chuyên gia tư vấn trồng xen trong 11 ha cây ăn trái.
Sau thời gian đầu tư, cây đàn hương sinh trưởng và phát triển rất tốt. Nhờ vậy, chỉ sau 3 năm trồng và chăm sóc, trang trại đã thu hoạch được lứa búp lá đàn hương đầu tiên để làm trà.
Ông Y Krih Hwing, người Ê Đê ở buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho biết: Vườn cà phê 1,5 ha này đã hơn 20 tuổi, cây già cỗi, mỗi vụ thu chưa đến 2 tấn cà phê nhân. Năm 2016, ông Y Krih Hwing trồng xen 250 cây đàn hương vào vườn cà phê. Hiện nay cây đàn hương phát triển khá tốt. Sau 4 năm chiều cao của cây đã trên 3 m, đường kính gốc 12 cm. Vừa qua, ông Y Krih Hwing đã thu trên 100 kg hạt đàn hương. Bán hạt được 400.000 đồng/kg, thu trên 40 triệu đồng.
“Trong năm nay tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng đàn hương ở khu đất đồi. Chỗ đất đó tôi trồng xen với cây điều ghép với cây đàn hương. Cây đàn hương này không có cây ký chủ thì nó không phát triển được, phải có cây ký chủ, nó dựa vào mới phát triển được” - ông Y Krih Hwing nói.
Theo bà Trần Thị Thuỷ, phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Buôn Đôn, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã kiểm tra thực tế, thấy cây đàn hương phát triển tốt. Tuy nhiên đây chỉ là sự chuyển dịch cây trồng mang tính tự phát của người dân. Hiện chưa thể đưa cây đàn hương vào cơ cấu cây trồng, bởi chưa được đánh giá, khảo nghiệm một cách khoa học.
“Đối với cây đàn hương hiện nay đang trồng thí điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng như chúng tôi đã tham quan các mô hình tại địa bàn thì về phát triển của cây thì sinh trưởng phát triển đạt yêu cầu. Về tương lai thì huyện mong muốn là đưa cây này vào khảo nghiệm để đánh giá kết quả bước đầu, sau đó mới nhân rộng mô hình để phát triển” - bà Thuỷ cho hay.
Cây đàn hương có xuất xứ ở Ấn Độ, được đánh giá là cây đa tác dụng. Từ lá đến thân, rễ của cây đàn hương đều có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau. Lá cây chứa chất có khả năng điều trị huyết áp cao. Thân gỗ đàn hương được dùng trong ngành công nghiệp nước hoa, dược liệu. Hạt cây đàn hương có hàm lượng dầu lớn và axít đàn hương có tác dụng chống lão hóa.
Ngoài ra, cây đàn hương cũng tốt cho môi trường vì nó là cây xanh quanh năm, cho lượng oxy gấp 6 lần các cây khác… Chính vì vậy, đàn hương còn được gọi là “vàng xanh” bởi giá trị kinh tế cao. Cây đàn hương trồng sau 12- 15 năm sẽ cho khai thác lõi, với trữ lượng khoảng 30 kg/cây. Mỗi kg lõi có giá bán từ 8-10 triệu đồng, tùy từng thời điểm… Với lợi thế là cây trồng xen, đàn hương đã được nhiều người dân trên địa bàn cao nguyên quan tâm, tìm hiểu và hào hứng trồng thử nghiệm.
Thanh Hùng
Ảnh: Lan Anh