Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1, người phát ngôn của Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng "làm luật", các trung tâm đăng kiểm đã cấp 52.300 giấy kiểm định.

Thông tin này khiến nhiều người băn khoăn về cách xử lý đối với hơn 70.000 phương tiện liên quan này. Đặc biệt, các chủ phương tiện chưa kịp lấy giấy chứng nhận thì có cần phải đi đăng kiểm lại không?

Chiều 5/1, trao đổi với phóng viên VietNamNet về vấn đề trên, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến thời điểm hiện tại tất cả phương tiện của người dân đã được kiểm định ở những trung tâm đăng kiểm vừa bị cơ quan công an khám xét vẫn lưu thông bình thường.

“Nếu sau này các cơ quan chức năng chứng minh những giấy chứng nhận cấp ra cho người dân không đúng thì lúc đó mới có những biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tô An cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, cơ quan đăng kiểm chỉ nhận được thông tin con số 52.300 giấy kiểm định được cấp ra tại các cơ sở kiểm định phát hiện sai phạm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

“Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa nhận được thông báo chính thức từ phía cơ quan công an về số liệu này”, ông Tô An nói. 

Sau việc một loạt trung tâm đăng kiểm tạm thời đóng cửa phục vụ điều tra, ông Nguyễn Tô An cho biết, sẽ xảy ra nhiều tình huống với các chủ phương tiện liên quan. 

Tình huống thứ nhất, phương tiện kiểm định xong, đã hoàn tất các quy trình nhưng chưa kịp lấy giấy chứng nhận, thậm chí có những trường hợp xe đã được dán tem rồi nhưng chưa lấy giấy thì đúng lúc cơ quan công an ập vào kiểm tra.

Đối với trường hợp này, ông Tô An hướng dẫn, nếu những giấy tờ đó đang nằm ở cơ quan đăng kiểm, cơ quan công an không thu giữ thì người dân hoàn toàn có thể đến trung tâm đăng kiểm đó yêu cầu trả lại và sử dụng bình thường.

Nếu cơ quan công an đã giữ những chứng nhận này trong quá trình khám xét, thu giữ tài liệu thì người dân phải chấp nhận đưa xe đi đăng kiểm lại tại đơn vị khác. Sau khi cơ quan chức năng xử lý sai phạm, đơn vị kiểm định ban đầu phải có trách nhiệm hoàn lại phí đăng kiểm cho người dân.

Tình huống thứ hai, phương tiện đã kiểm định xong, đạt đủ yêu cầu nhưng đơn vị kiểm định chưa kịp in ra giấy chứng nhận để ký đóng dấu cấp cho chủ phương tiện thì cơ quan công an ập vào kiểm tra. 

Trường hợp này chủ phương tiện phải chấp nhận đi đăng kiểm lại tại một đơn vị khác. Sau đó, đơn vị đăng kiểm ban đầu phải có trách nhiệm bồi hoàn tiền lệ phí đăng kiểm cho chủ phương tiện.

“Các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới của Cục Đăng kiểm Việt Nam (50.07V, 50.05V, 50.03V và một chi nhánh của 50.03V), chúng tôi chỉ đạo sắp xếp nhân viên trực trả lại tiền và giấy tờ cho người dân ngay. Đối với các trạm tư nhân, nếu có người trực và có trách nhiệm như Cục Đăng kiểm Việt Nam thì có thể trả tiền luôn cho người dân”, ông Tô An cho hay.

Hai tuần qua, một loạt trung tâm đăng kiểm bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm. 

Cụ thể, ngày 4/1, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 5 người là lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 98-06D để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ.

Tương tự, tại Bắc Ninh, 14 cán bộ của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 99-03D bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ hơn 6,5 tỷ đồng trong 3 năm. 

Trước đó, tại TP.HCM, công an cũng đã tiến hành khám xét 13 trung tâm, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can vì các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.

Thủ đoạn các trung tâm đăng kiểm đã sử dụng là bỏ qua vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật.

Theo Bộ Công an, không chỉ 3 địa phương trên, các sai phạm ở những trung tâm kiểm định còn được phát hiện tại Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp....

N. Huyền