Lèo lái một công cuộc chuyển đổi cơ cấu như vậy mà không gây ra hiện tượng tụt giảm tăng trưởng kinh tế mạnh chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn đối với bất cứ quốc gia nào. Thách thức này thậm chí còn nặng nề hơn đối với một đất nước rộng lớn và phức tạp như Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc gần đây bị rớt giá không chỉ khiến thị trường chứng khoán nước này gặp hỗn loạn, buộc chính phủ phải hai lần đình chỉ giao dịch trong vòng một tuần, mà hơn hết nó còn chỉ ra một thách thức lớn mà quốc gia này đang phải đối mặt: làm thế nào để cân bằng giữa các nghĩa vụ kinh tế trong nước và quốc tế. Cách tiếp cận của chính quyền hiện nay sẽ gây tác động mạnh đến sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, đi kèm với tiến trình hồi phục chậm chạp ở các nền kinh tế phát triển sau đó, đã khiến Trung Quốc phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình phát triển từ dựa vào đầu từ và nhu cầu ở nước ngoài sang mô hình dựa trên nền tảng tiêu thụ nội địa.
Lèo lái một công cuộc chuyển đổi cơ cấu như vậy mà không gây ra hiện tượng tụt giảm tăng trưởng kinh tế mạnh chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn đối với bất cứ quốc gia nào. Thách thức này thậm chí còn nặng nề hơn đối với một đất nước rộng lớn và phức tạp như Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm chạp như hiện nay.
Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách mở rộng quyền sở hữu tài sản chứng khoán, mang lại cho ngày càng nhiều công dân Trung Quốc một phần lợi ích từ tiến trình chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường. Nhưng cũng như những nỗ lực của Mỹ trong việc mở rộng quyền sở hữu nhà đất trong những năm trước cuộc khủng hoảng 2008, các chính sách của Trung Quốc đã đi quá xa, gây ra một bối cảnh tài chính không bền vững, dẫn đến nguy cơ sụt giá nghiêm trọng và phân bổ nguồn lực bất hợp lý.
Hệ quả là thách thức đối với việc tái điều chỉnh tăng mạnh. Khi các công ty Trung Quốc không còn có thể xuất khẩu khối lượng hàng hóa tăng vọt và đẩy mạnh năng suất sản xuất như trước, thì cỗ máy kinh tế cũng bị mất đi một số động cơ mang lại tăng trưởng, việc làm và tiền lương quan trọng. Khi cỗ máy nền kinh tế giảm tốc độ, chính quyền cũng không có khả năng duy trì giá tài sản vốn đã bị thổi phồng, đồng thời cũng không tránh khỏi được các căng thẳng tín dụng.
Để hạn chế hiệu ứng bất lợi của tất cả những hiện tượng trên đến đời sống kinh tế người dân, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã ra lệnh hạ giá đồng tiền liên tục. Sau khi đồng NDT bất ngờ bị phá giá vào tháng 8/2015, tỷ giá hối đoái nội địa của đồng tiền này vẫn liên tục bị hạ giá theo từng ngày sau đó, tất cả nhằm mục đích tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc ở thị trường ngoài nước, đồng thời thúc đẩy thay thế hàng hóa nhập khẩu ở trong nước. Đồng NDT thậm chí còn mất giá hơn ở thị trường hải ngoại.
Loạt quyết định hạ giá tiền tệ của Trung Quốc trên thực tế phù hợp với một xu thế chung xuất hiện trong những năm gần đây ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Mỹ phục hồi chủ yếu dựa vào chính sách nới lỏng tiền tệ, với hai đặc điểm tiêu biểu là mức lãi suất thấp cận 0 và hoạt động mua tài sản diễn ra ở quy mô lớn, kết quả là đồng đô-la bị suy yếu và từ đó thúc đẩy xuất khẩu. Gần đây hơn, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng đã áp dụng biện pháp tương tự, giữ cho đồng euro giảm giá nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh nội địa.
Nhưng mải chạy theo các mục tiêu trong nước, vô tình Trung Quốc đã mạo hiểm khuếch đại bất ổn tài chính toàn cầu. Đặc biệt, thị trường lo ngại đồng NDT mất giá có thể “cướp mất” cơ hội tăng trưởng của các quốc gia khác, bao gồm cả những đất nước đang gánh nợ nước ngoài nặng nề hơn Trung Quốc rất nhiều, nhưng lại không có các ‘tấm đệm’ tài chính đủ vững mạnh như Trung Quốc – nước vốn nắm giữ nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào.
Mối lo ngại này cho thấy biện pháp cân bằng mà Trung Quốc phải thực hiện thậm chí còn khó khăn hơn, nhất là khi nước này đang tìm cách tham gia vận hành nền kinh tế toàn cầu – một vai trò được đảm bảo nhờ sức nặng kinh tế của Trung Quốc.
Và trên thực tế, Trung Quốc gần đây cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc dần quốc tế hóa hệ thống tài chính của mình. Trong đó phải kể đến thành công vừa qua của quốc gia Đông Á này khi thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế chấp nhận bổ sung đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế dùng để định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) – một đơn vị tiền tệ IMF sử dụng để giao dịch ở 188 nước thành viên.
Động thái này không chỉ đặt đồng NDT ngang hàng với các đồng tiền chủ chốt toàn cầu (đô-la Mỹ, euro, bảng Anh, và yên Nhật), mà còn giúp thúc đẩy quá trình chấp nhận sử dụng đồng NDT ở khu vực kinh tế công và tư trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Sẽ đến lúc trách nhiệm trong nước và quốc tế của Trung Quốc song hành, bổ trợ cho nhau. Nhưng bây giờ vẫn chưa phải là thời điểm đó; và với quá trình chuyển đổi cơ cấu còn nhiều vấn đề như hiện nay ở Trung Quốc, thì có lẽ viễn cảnh đó sẽ khó diễn ra trong tương lai gần. Từ giờ đến khi ấy, có lẽ Trung Quốc vẫn buộc phải ưu tiên đáp ứng các nghĩa vụ trong nước, nhưng theo hướng khéo léo tránh các điểm bùng phát lớn, có nguy cơ làm sụp đổ diện rộng nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, liệu như vậy có đủ để tránh gây ra những hệ quả hỗn loạn hay không thì không ai có thể chắc chắn hoàn toàn.
Mohamed A. El-Erian hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama. Trước đây ông từng giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành của PIMCO. Ông được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong 100 Nhà tư tưởng Toàn cầu năm 2009, 2010, 2011 và 2012. Cuốn When Markets Collide của ông đã được tờ Financial Times/Goldman Sachs bình chọn là Cuốn sách của Năm và được tờ The Economist bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2008.
Nguồn: Mohamed A. El-Erian, “The Chinese Economy’s Great Wall”, Project Syndicate, 11/01/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
- Chuyên mục hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)
- Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.