Bấp bênh thị trường lúa gạo
Gạo Việt Nam xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến cuối năm 2018, mặt hàng gạo xuất khẩu kỳ vọng đạt 6,15 triệu tấn, mang về 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.
Đáng chú ý, vào những tháng đầu năm 2018, Bộ NN-PTNT còn thông báo, giá gạo Việt xuất khẩu bình quân đã bật tăng lên 475 USD/tấn, thay vì mức 435 USD/tấn của năm 2016 và 450 USD/tấn (2017). Đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây, và cao hơn cả giá gạo Thái Lan sau nhiều năm được đánh giá là lép vế về giá và chất lượng.
Thế nhưng, sang đầu năm 2019, bức tranh lúa gạo không còn khởi sắc như cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 1/2019 sụt giảm cả về giá cả, khối lượng và giá trị. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt 373 nghìn tấn (giảm 24,2% so với cùng kỳ), giá trị ước đạt 167 triệu USD (giảm 30% so với cùng kỳ).
Nông dân các tỉnh ĐBSCL như ngồi trên đống lửa khi giá lúa giảm mạnh |
Bộ NN-PTNT cũng cho biết, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm, còn xuống 4.200-4.400 đồng/kg; thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg vào đầu tháng 2/2019.
Nguyên nhân được cho là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên đầu năm chưa có nhu cầu nhập khẩu. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12/2018 chưa chủ động giao theo hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ.
Thực tế, những ngày này, người nông dân ở ĐBSCL như ngồi trên đống lửa vì vào vụ thu hoạch mà giá lúa lại lao dốc. Thậm chí, tại Đồng Tháp và An Giang giá lúa còn giảm theo ngày.
Ông Lưu Văn Hải, ở xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, An Giang) cho hay, giá lúa IR50404 ông bán cho thương lái chỉ 4.550 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm ngoái, trừ hết chi phí, chỉ còn lời 300.000-400.000 đồng/công (1.000m2).
Tương tự, ông Trang Văn Hoàng ở xã Phong Hòa (Lai Vung, Đồng Tháp) than, trước Tết lúa IR50404 còn bán được với giá 4.800 đồng/kg thì nay còn 4.300-4.400 đồng/kg. Buồn hơn là mấy công lúa của gia đình ông mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái vẫn biệt tăm.
Tại Sóc Trăng, lãnh đạo Sở Công Thương cung cấp thêm thông tin, nông dân trồng lúa đang "chết đứng" vì giá thấp, không ai mua. Một số doanh nghiệp trước đó có đầu tư, bao tiêu lúa của nông dân cũng đành "bỏ của chạy lấy người" do thị trường tiêu thụ khó khăn.
Trung Quốc tăng rào cản, hạn chế nhập
Khó khăn về thị trường tiêu thụ là nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành lúa gạo. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết, đầu từ tháng 6/2018 đến nay Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Lượng gạo Việt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày càng giảm |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cũng từng nhận định ngành gạo Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu do thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Trước đó, Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam gửi danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xem xét cấp giấy phép. Mới có 21/156 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu gạo vào thị trường nước họ. Điều này cũng gây khó khăn cho xuất khẩu và giảm mạnh số đầu mối xuất khẩu sang thị trường này.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, năm 2017, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,89 triệu tấn. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2017 với 39,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2017 đạt 2,29 triệu tấn và 1,03 tỷ USD.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn, nhưng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,33 triệu tấn, chiếm chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Tại cuộc tọa đàm doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc vào cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính thì hiện nay thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch.
Theo đó, không chỉ với mặt hàng gạo mà tới đây toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải đảm bảo các điều kiện trên, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp.
Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành. Tại buổi việc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ vào chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với kiến nghị của Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, "phải mua sớm" 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Các tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo. "Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu", Thủ tướng nêu rõ. Bộ NN-PTNT, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để gạo chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo có thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ cập. |
Bảo Phương