Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt nhiều năm nay. Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu các nhóm hàng của ngành nông nghiệp sang Trung Quốc đạt 7,04 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn thứ hai (đứng sau Mỹ), chiếm 20,5% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp trong 7 tháng qua. 

Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Các mặt hàng như thuỷ sản, hạt điều, gỗ, cà phê... cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 7 tháng năm 2024.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo và hạt tiêu sang Trung Quốc lại lao dốc. Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2024, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường tỷ dân này chỉ đạt 8.000 tấn, giảm mạnh gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tương tự, xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2023 đạt 413,5 triệu USD, nhưng cùng kỳ năm nay chỉ còn 130,8 triệu USD. Tức xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm nay giảm mạnh 68,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê, năm 2012, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu, với kim ngạch 898 triệu USD, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo.

Giá trị xuất khẩu gạo Việt sang Trung Quốc giai đoạn 2012-2016 duy trì tương đối ổn định. Năm 2017, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng đột biến, đạt gần 1,03 tỷ USD, chiếm gần 40% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.

Nhưng ngay sau đó, xuất khẩu mặt hàng được ví như "hạt ngọc" của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bất ngờ lao dốc, chỉ đạt khoảng 640 triệu USD vào năm 2018. Đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm còn 240,3 triệu USD. Gạo Việt gần như mất thị phần tại thị trường tỷ dân. Với con số này, Trung Quốc từ vị trí thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam rơi xuống vị trí số 3.

Năm sau đó, Trung Quốc nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này lại giảm mạnh.

Điều này trái ngược với dự báo Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhập khẩu gạo trong năm 2024. Bởi, năm 2023, diện tích trồng lúa của Trung Quốc liên tục giảm dưới 30 triệu ha, sản lượng lúa cũng giảm liên tiếp trong hai năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng được dự báo vẫn duy trì mức tăng nhẹ (khoảng 150 triệu tấn gạo). 

Vậy tại sao Trung Quốc lại giảm mạnh nhập khẩu gạo và hạt tiêu từ Việt Nam?

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ hai loại “vàng đen” này của Việt Nam, nay đã tụt xuống vị trí thứ năm, sau Mỹ, Đức, Ấn Độ và UAE.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này nhận định, giá hạt tiêu nội địa của Trung Quốc đang thấp hơn so với hàng nhập khẩu. Thêm vào đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo trong nửa đầu năm nay, nên nhu cầu chi tiêu của người dân giảm và lượng hàng tồn kho còn đủ dùng. Đây là những nguyên nhân dẫn đến quốc gia này giảm mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam.

VPSA dự báo, nhu cầu nhập khẩu loại nông sản này từ thị trường Trung Quốc khó cải thiện ở nửa cuối năm.

W-xuất khau gao.png
Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Còn với mặt hàng gạo, các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do Trung Quốc giảm nhập là vì hạn chế số lượng doanh nghiệp gạo Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này. Hiện chỉ có 21 trên tổng số khoảng 200 doanh nghiệp gạo trong nước được cấp phép.

Ngoài ra, gạo Việt còn phải cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm gạo tại đây có chất lượng tương đối cao, bên cạnh việc các nước xuất khẩu rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì, nhất là gạo của Thái Lan.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho biết, việc giảm hay tăng mua là do cung cầu thị trường. Với Trung An, đơn hàng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều bằng các thị trường khác.

Theo ông Bình, những năm gần đây, Trung Quốc nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng hàng hoá, trong đó có gạo. Ở phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm, nếp hay ST24... đòi hỏi khắt khe về chất lượng và mẫu mã bao bì.

Trong khi đó, phân khúc trung bình nhà nhập khẩu Trung Quốc lại chuộng hàng giá rẻ, gạo tấm về để chế biến. Họ nhập lượng lớn nhưng ưu tiên giá rẻ nên doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với các đối thủ ở những quốc gia khác. 

Thực tế, những tháng cuối năm 2023, ở phân khúc gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam, giá trung bình xuất khẩu luôn cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan. Các doanh nghiệp nước ta lại có thói quen ký hợp đồng giao xa nên giá cao sẽ ảnh hưởng đến việc đàm phán đơn hàng với phía đối tác Trung Quốc. 

Trước tình hình đó, cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường gạo Trung Quốc, cập nhật thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt các động thái mới nhất của thị trường nước nhập khẩu, ứng phó kịp thời cũng như nắm bắt thời cơ. 

Hiện dòng gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST24, ST25 được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nên các doanh nghiệp cần duy trì, phát huy và mở rộng thị phần, đồng thời tranh thủ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường tiềm năng bậc nhất này.