Bộ xử lý máy tính được sử dụng trong không gian phải đáp ứng các tiêu chí đặc biệt, đồng thời phải mạnh mẽ và vượt trội so với các chip điện thoại thông minh thông thường. Điều đó đòi hỏi phải tiến hành các thử nghiệm đặc biệt phức tạp để phát triển các sản phẩm như vậy.
Để giành được lợi thế trước Mỹ và các cường quốc vũ trụ khác, Trung Quốc đã bắt đầu chương trình thử nghiệm quy mô lớn đối với các loại chip không gian mới.
Nơi thử nghiệm là trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, với những lợi thế đáng kể so với trạm vũ trụ ISS. Hệ điều hành chạy trên bộ xử lý mới, được thiết kế riêng, đang hỗ trợ phần lớn các sứ mệnh không gian của Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc đang đi trước Mỹ một cách đáng kể, với hàng loạt các bộ xử lý được sản xuất theo tiêu chuẩn 28–16 nm đang được thử nghiệm.
Một phòng thí nghiệm riêng biệt đã được xây dựng trên trạm vũ trụ Thiên Cung để tiến hành các cuộc thử nghiệm toàn diện. Nơi này cho phép thử nghiệm cùng lúc hơn 100 con chip, trong khi điều này là bất khả thi đối với ISS.
Các sứ mệnh không gian hiện tại của NASA phụ thuộc rất nhiều vào bộ xử lý RAD750, đã hơn 20 năm tuổi và được sản xuất trên quy trình 250nm. Các con chip như vậy được sử dụng phổ biến trên tàu thám hiểm Perseverance và kính viễn vọng không gian James Webb.
Đặc biệt, trên trạm ISS, thông tin chi tiết về các dự án nghiên cứu buộc phải chia sẻ với 15 quốc gia tham gia. Điều này ngăn cản một quốc gia riêng lẻ gửi các công nghệ mới được phát triển tới ISS để thử nghiệm.
Các thỏa thuận cũng không cho phép thử nghiệm công nghệ quân sự trên trạm vũ trụ quốc tế. Vì vậy, các con chip không gian mới chỉ có thể được thử nghiệm nhờ vệ tinh.
Nhìn chung, việc kiểm tra bộ xử lý máy tính trong không gian là vô cùng cần thiết, vì chúng phải chịu các điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là sự hiện diện của bức xạ vũ trụ và các hạt tích điện năng lượng cao.
Tận dụng những lợi thế vượt trội trên không gian, Trung Quốc đang muốn nhanh chóng bỏ xa Mỹ trong việc tạo ra những con chip có độ tin cậy và độ bền vượt trội, có hiệu suất hoạt động cao, phù hợp với các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng điện toán ngốn nhiều tài nguyên, tối ưu về hiệu quả sử dụng năng lượng…
(theo OL)