Chia sẻ với báo chí, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện hoàn thiện hồ sơ, tiến hành các thủ tục để đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính thức chuyển đổi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2025.

Để làm được điều đó, trường đã xây dựng các lộ trình cụ thể. Hiện tại, trường đã hoàn thành việc xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp, gồm: đại học, các trường trực thuộc, các khoa. Bên cạnh các đơn vị này là hệ thống đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo.

Trong nửa cuối của năm 2023, trường sẽ triển khai đề án cơ cấu tổ chức mới gồm 3 trường trực thuộc, dự kiến là: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ. Sau đó, tùy theo điều kiện và lộ trình phát triển, một số trường khác sẽ tiếp tục được thành lập.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Lê Văn)

Trong số 3 trường thành viên dự kiến, Trường Kinh tế sẽ chú trọng đào tạo các ngành kinh tế với đầu ra chủ yếu là các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.

Trường Kinh doanh hướng đến đào tạo các nhà quản trị, vận hành các doanh nghiệp, thiên về quản trị kinh tế vi mô. Cả hai trường này đều là thế mạnh truyền thống của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Trường Công nghệ tuy mới nhưng theo GS.TS Phạm Hồng Chương, trường được xây dựng dựa trên nền tảng của 3 đơn vị đào tạo là: Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Khoa Toán kinh tế và Khoa Thống kê.

Trường Công nghệ sẽ tập trung vào nghiên cứu và đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ trong quản lý và quản trị kinh doanh. Những lĩnh vực ưu tiên sẽ bao gồm: chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.

“Với lộ trình đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ trở thành ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2025”, GS.TS Phạm Hồng Chương nói.

Trong giai đoạn 2025 – 2030, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến phát triển và xây dựng mới môn/khoa có liên quan nhiều đến công nghệ như: Công nghệ thông tin (khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo); Du lịch và khách sạn (quy hoạch du lịch, kiến trúc khách sạn, công nghệ vận hành khách sạn); Công nghệ môi trường (xử lý nước thải, khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu).

ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thành lập mới 2 - 3 trường trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu, đồng thời phát triển cơ sở 2 ngoài Hà Nội.

Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. Do đó, đại học sẽ bao gồm các trường đại học.

Việt Nam hiện có 6 đại học, gồm: ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhiều trường đại học khác như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội… cũng đang có kế hoạch phát triển thành đại học.

Điều kiện chuyển từ trường đại học lên đại học

Theo Nghị định 99, để chuyển từ trường đại học thành đại học, cần phải đáp ứng 3 điều kiện.

Thứ nhất, trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.

Thứ hai, cần có ít nhất ba trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

Thứ ba, cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Hiện tại, nhiều trường đại học đang có kế hoạch thành lập các trường thành viên để phát triển thành đại học đa ngành.