Kết quả điều tra cho thấy, Trương Huệ Vân là cháu ruột của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Huệ Vân được bà Trương Mỹ Lan tin tưởng giao làm cổ đông, thành viên HĐQT Công ty WMC, bổ nhiệm tổng giám đốc năm 2015.
Vốn góp của Huệ Vân do bà Trương Mỹ Lan cho nắm giữ, thực chất là tiền của bà Lan và thành viên HĐQT Công ty An Đông. Huệ Vân khai rằng, bị can không trực tiếp điều hành, quyết định các vấn đề về tài chính của 2 công ty An Đông và WMC mà đều do bà Trương Mỹ Lan điều hành.
Kết quả điều tra cho thấy, dù biết Công ty WMC không có nhu cầu và nguồn lực để đầu tư trái phiếu, nhưng theo chủ trương của bà Lan, Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ chuyển tiền cho Công ty An Đông tổng số hơn 13 nghìn tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu.
Hành vi của Huệ Vân bị xác định đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 13 nghìn tỷ đồng.
Theo lời khai của Huệ Vân, việc Công ty An Đông phát hành trái phiếu là theo chủ trương của bà Trương Mỹ Lan. Dù là thành viên HĐQT Công ty An Đông, nhưng Huệ Vân chưa từng họp hay được thông báo về việc phát hành trái phiếu, mà chỉ được nhân viên đưa đến bộ hợp đồng mua bán trái phiếu và các chứng từ liên quan đã có đủ chữ ký của Nguyễn Hữu Hiệu, Phó Tổng giám đốc tài chính Công ty WMC.
Bị can tin tưởng vào chủ trương của bà Lan và tin tưởng mọi việc đã được ông Nguyễn Hữu Hiệu kiểm tra, kiểm soát nội dung nên đã ký vào toàn bộ hợp đồng, chứng từ liên quan.
Quá trình làm việc với CQĐT, Huệ Vân thừa nhận hành vi sai phạm của mình, cho rằng vì tin tưởng bà Trương Mỹ Lan mà đã lập, ký các chứng từ khống để tạo lập trái phiếu, không được hưởng lợi, đã tự nguyện nộp tiền khắc phục một phần hậu quả vụ án.
CQĐT cho rằng, xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, vai trò của bị can Trương Huệ Vân là người làm công hưởng lương, làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi. Hơn nữa bị can đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và hợp tác tích cực với CQĐT; có nhân thân tốt nên CQĐT đề nghị cơ quan tố tụng xem xét khi lượng hình.
Cháu gái cưng giúp bà Trương Mỹ Lan làm sai
Ở giai đoạn 1 của vụ án, Trương Huệ Vân với tư cách là cựu Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phải nhận 17 năm tù về 2 tội "Tham ô tài sản" và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo kết quả điều tra ở giai đoạn 1, Huệ Vân được đặt ngồi vào vị trí Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Eurasia Concept và điều hành hoạt động Công ty CP Lavifood, Công ty Tanifood, Công ty CP Sài Gòn Galleria.
Năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho cháu gái quản lý, điều hành. Quá trình hoạt động, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cháu gái dùng pháp nhân Công ty CP Lavifood vay vốn Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.
Ngoài ra, bà Lan còn thống nhất, chỉ đạo Huệ Vân cho thành lập “công ty ma” để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của bà Lan và Huệ Vân.
Quá trình điều hành Công ty CP Sài Gòn Galleria, Công ty CP Eurasia Concept, cháu gái bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhân viên kế toán phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn tại SCB.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 “công ty ma” và 4 công ty có hoạt động thật (50 khoản vay), tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi Ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỷ đồng.
Theo CQĐT, đủ căn cứ xác định Trương Huệ Vân đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản, liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 1.088 tỷ đồng.