Thông tin về kế hoạch giảng dạy - học tập và hỗ trợ học tập trực tuyến của trường, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cho biết, nhà trường triển khai phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến cho các lớp học phần lý thuyết, bài tập từ ngày 23/3/2020. 

Lịch giảng dạy và học tập trực tuyến được thực hiện theo đúng thời khóa biểu học kỳ II năm học 2019 - 2020 đã công bố trên hệ thống Quản lý đào tạo, đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học.

Giảng viên và sinh viên PTIT thực hiện việc giảng dạy và học tập trực tuyến bằng các phần mềm do nhà trường triển khai tại các cơ sở đào tạo theo thời khóa biểu.

Cụ thể, với cơ sở đào tạo Hà Nội, theo Phó Giám đốc Vũ Tuấn Lâm, hoạt động giảng dạy - học tập trực tuyến sẽ được thực hiện qua phần mềm TranS và hỗ trợ học tập thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến - LMS từ tuần 13 (từ ngày 23/3/2020) với một số lớp học phần lý thuyết/bài tập như: an toàn bảo mật hệ thống thông tin, các kỹ thuật giấu tin, cơ sở an toàn thông tin, nhập môn trí tuệ nhân tạo, mạng máy tính, phát triển ứng dụng cho thiết bị di động, ứng dụng đa phương tiện trong kinh doanh…

Với TranS, phần mềm hiện được Học viện tạm thời sử dụng để tổ chức giảng dạy trực tuyến, giảng viên và sinh viên dạy - học tại cùng thời điểm trên phần mềm thông qua việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh có đầy đủ micro, loa, kết nối với nhau qua Internet.

PTIT cũng đã đưa hệ thống Quản lý học tập trực tuyến vào sử dụng để hỗ trợ giảng dạy, học tập trực tuyến cho sinh viên. Theo đó, giảng viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu học tập và tư vấn qua hệ thống LMS. Sinh viên đăng nhập vào hệ thống LMS nhận bài giảng, bài tập, câu hỏi… để học môn học của mình và trao đổi với giảng viên.

 Ngoài ra, nhà trường khuyến khích giảng viên chủ động sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến khác để bổ trợ cho hoạt động giảng dạy.

Chia sẻ thêm với ICTnews, đại diện PTIT cho biết, để triển khai tổ chức học tập trực tuyến, thời gian vừa qua, nhà trường đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng: thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của  giảng viên, sinh viên về mức độ sẵn sàng cũng như điều kiện cơ sở kỹ thuật cho việc dạy và học trực tuyến; lên phương án; tìm kiếm giải pháp phù hợp, có thể đáp ứng hàng ngàn lượt sinh viên học đồng thời…

Ngoài Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thời gian qua cũng đã có nhiều trường đại học đào tạo CNTT khác triển khai phương án giảng dạy - học tập trực tuyến, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học FPT…

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai cho sinh viên học tập từ xa,  đại diện Đại học FPT cho biết, nhà trường sử dụng kết hợp nhiều công cụ gồm: video meeting (meet.google.com), cổng thông tin đào tạo (FAP), hệ thống quản lý khóa học (CMS), phần mềm thi trực tuyến (EOS) và email.

“Sau một thời gian triển khai học từ xa, việc học diễn ra bình thường, sinh viên thích nghi khá nhanh. Giảng viên và sinh viên đều có những điều chỉnh để việc dạy và học hiệu quả nhất. Sinh viên nào gặp khó khăn trong học tập có thể trao đổi trực tiếp với giảng viên để nhận sự hỗ trợ riêng từ giảng viên”, đại diện Đại học FPT cho hay.