Sáng 2/9, camera hành trình trên xe ghi lại cảnh tài xế B. đang lái xe chở khách từ La Gi (Bình Thuận) đến địa bàn quận 5 (TP.HCM) thì gục ngã, có dấu hiệu đột quỵ nhưng vẫn cố gượng dậy, cho xe dừng lại.
Lúc này, hành khách trên xe mới phát hiện và gọi cấp cứu đưa anh đến một bệnh viện tại quận 5.
Trước đó, trưa 1/9, tại km1726+630 Quốc lộ 1 qua thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng xảy ra vụ tài xế lái xe chở khách nghi bị đột quỵ và tử vong.
Tương tự, ngày 7/8, tài xế S.T. đang chở khách từ TP.HCM đi Sóc Trăng cũng bị đột quỵ. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, anh S.T. vẫn gắng gượng đánh lái, tấp xe vào lề. Sau đó anh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra liên tiếp 3 vụ tài xế xe khách khi đang điều khiển phương tiện thì co giật và tử vong sau đó, nghi do bị đột quỵ.
Câu hỏi được đặt ra, sức khoẻ của lái xe phải đáp ứng những điều kiện ra sao, được quy định như thế nào khi hành nghề?
Trao đổi với phóng viên về nội dung này, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại phụ lục số 01 Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015) quy định:
Người mắc các bệnh tâm thần, thần kinh, một số bệnh về mắt, tai mũi họng, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết như đái tháo đường (tiểu đường) có tiền sử hôn mê do đái tháo đường trong vòng 1 tháng… thì không đủ điều kiện lái ô tô.
Đặc biệt, đối với người mắc các bệnh tim mạch như: Tăng huyết áp, các bệnh viêm tắc mạch, dị dạng mạch máu, các rối loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành, ghép tim, suy tim… cũng không được phép lái ô tô.
Hay người sử dụng thuốc, chất có cồn, ma tuý và các chất hướng thần khác cũng không đủ điều kiện lái ô tô.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT thì người sử dụng lái xe ô tô phải có trách nhiệm: "Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe ô tô thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật về lao động".
Như vậy, lái xe khách bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời, tài xế phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.
Nếu người sử dụng lao động lái xe ô tô có hành vi không khám sức khỏe định kỳ cho tài xế lái xe thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm k Khoản 2 và Điểm a Khoản 7 Điều 28 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người trong đó có tài xế nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1-2 lần/năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe.
Tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần còn tùy thuộc vào độ tuổi, môi trường làm việc, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử sức khỏe bản thân và gia đình.
Tùy vào độ tuổi khi đến khám, ngoài các nội dung khám tổng quát và xét nghiệm sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ còn thực hiện các dịch vụ khám và xét nghiệm chuyên biệt liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tương ứng với lứa tuổi.