Theo South China Morning Post, khi thương chiến Mỹ - Trung bùng lên năm 2018, cô Xu Yanlin - giám đốc bán hàng tại một công ty quần áo và đồ gia dụng trên Amazon, có trụ sở ở Quảng Châu - lo sợ sẽ không thể tiếp tục kinh doanh tại thị trường Mỹ. Nhưng trái ngược với những gì Xu lo ngại, cửa hàng trực tuyến của cô tiếp tục ăn nên làm ra dù phải tăng giá bán sản phẩm vì chịu thuế trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Vấn đề là người tiêu dùng Mỹ phải trả số tiền chênh lệch vì thuế. "Người tiêu dùng Mỹ phải gánh tiền thuế. Chúng tôi đăng giá đồng loạt các sản phẩm trong năm nay. Ví dụ, một sản phẩm có mức giá 16 USD trước thương chiến giờ được bán với giá 19,99 USD", cô Xu cho biết. "Dường như người tiêu dùng Mỹ không quá nhạy cảm với việc tăng giá".
Trong khi đó, tại Phoenix (Arizona, Mỹ), ông Barry Vogel, CEO Audio & Loudspeaker Technologies International (hãng sản xuất loa), cho biết mô tả thuế trừng phạt đánh vào hàng Trung Quốc tác động lớn đến các nhà sản xuất Mỹ.
“Linh kiện nhập từ Trung Quốc tăng giá từ 15-25%, do đó giá sản phẩm của chúng tôi tăng. Nhưng điều kỳ lạ là loa nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc không bị đánh thuế trừng phạt", ông than thở.
Thương chiến Mỹ - Trung bùng lên từ năm 2018. Ảnh: Getty Images. |
Thành công hay thất bại?
Theo các chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại làm tổn thương cả Trung Quốc và Mỹ. "Chính sách thương mại chống Trung Quốc của Tổng thống Trump đã không thành công", South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định.
Chuyên gia Kennedy cho rằng thành công của chính quyền Tổng thống Trump khiến cả thế giới phải thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chính quyền Mỹ thực hiện các chiến lược thương chiến có nhiều trục trặc. Do đó, rất khó đánh giá tác động toàn diện của thương chiến.
Nhà kinh tế Tommy Wu của Oxford Economics ước tính GDP Trung mất khoảng 0,5% vì thương chiến. "Trước khi Mỹ và Trung Quốc phân ly kinh tế, chúng tôi dự báo GDP Trung Quốc đạt 5% trong vòng 10 năm tới. Giờ chúng tôi dự báo GDP Trung Quốc chỉ đạt 4,5%. Việc GDP mỗi năm mất 0,5% là khá lớn", ông cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, số lượng lao động được các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc tuyển dụng giảm 20% trong giai đoạn từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2020. Các nhà phân tích cho rằng ngoài thương chiến, việc chính quyền Trung Quốc chủ trương giảm nợ cũng ảnh hưởng tới thị trường lao động ngành công nghiệp.
Số lượng lao động được doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc tuyển dụng hàng tháng từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Ảnh: SCMP. |
"Chính sách của Trung Quốc góp phần gây ra sự giảm sút đó", giáo sư kinh tế Li Wei thuộc Trường Kinh doanh Cheung Kong cho biết. "Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch giảm nợ. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể vay vốn ngân hàng, buộc phỉa dựa vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng bóng tối", ông nói.
"Với nhiều công ty Trung Quốc, thương chiến không phải là vấn đề quá lớn, bởi Trung Quốc không còn phụ thuộc vào thương mại nhiều như trước đây", nhà kinh tế Li Wei giải thích.
Dù vậy, chiến tranh thương mại đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các khảo sát cho thấy rất nhiều doanh nghiệp Mỹ di dời nhà máy từ Trung Quốc đến Đông Nam Á để tránh thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc.
Khảo sát của Pew Research hồi tháng 9 cho thấy có tới 78% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, tỷ lệ cao nhất trong 15 năm. “Ngoài hàng điện tử, khách hàng Mỹ đang đang ưu tiên sản phẩm không có nguồn gốc Trung Quốc”, Pew Research cho biết.
Theo Bloomberg, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang tăng tốc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, một phần bởi đại dịch Covid-19 cho thấy sự nguy hiểm của việc quá dựa dẫm vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
"Ông Trump phải được ghi công"
Nhà kinh tế Jef Ferry thuộc tổ chức Liên minh vì Nước Mỹ thịnh vượng cho rằng cần phải ghi công của Tổng thống Trump vì làm thay đổi quan điểm của thế giới về Trung Quốc.
"Trong một số trường hợp, chúng ta hạn chế được khả năng tăng trưởng của một số ngành công nghiệp Trung Quốc. Dù vậy, mục tiêu chính của thương chiến không phải là vùi dập nền kinh tế Trung Quốc, mà là thúc đẩy nền kinh tế Mỹ", ông Ferry nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có nhiều quan điểm khác nhau về tác động của thương chiến với nền kinh tế Mỹ. Chuyên gia Ferry chỉ ra rằng 500.000 việc làm trong ngành sản xuất được tạo ra trong 3 năm trước dịch Covid-19, nhưng Viện Chính sách Kinh tế đánh giá thị trường lao động ngành sản xuất không có nhiều thay đổi trong giai đoạn 2010-2019.
Nghiên cứu của Moody’s Analytics cho biết trong năm 2019, thương chiến khiến nền kinh tế Mỹ mất gần 300.000 việc làm. Năm ngoái, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York khẳng định thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ sụt 831 USD vì thương chiến.
Một số chuyên gia cho rằng phải ghi công ông Trump vì chính sách thương mại với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump cam kết giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng trong tháng 9, thâm hụt vẫn lên đến 30,75 tỷ USD, cao hơn 43,6% so với tháng 1/2017. Một phần là vì dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới cán cân thương mại Mỹ. Trung Quốc là nước đầu tiên hồi phục từ dịch Covid-19.
Thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc tăng từ 13,3% cuối năm 2019 lên 17,2% trong quý II năm nay, theo thống kê của Oxford Economics. Nếu không có dịch Covid-19, Trung Quốc đã mua hàng tỷ USD máy bay Boeing, dầu và khí đốt từ Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc chủ yếu nhập hàng nông sản Mỹ theo thỏa thuận thương mại "giai đoạn một".
Một số nhà kinh tế từng phản đối ông Trump cũng cho rằng ông là người gây sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia trên thế giới như Australia và châu Âu thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Nếu ông Joe Biden đắc cử tổng thống, nhiều khả năng ứng viên Dân chủ sẽ phải tiếp tục chính sách "phân ly kinh tế với Trung Quốc" của ông Trump.
(Theo Zing)