Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), 10 năm qua, địa phương đã huy động được trên 14.729 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 853,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.181,4 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn nhân dân đóng góp…
Từ nguồn vốn trên, Tuyên Quang đã tập trung triển khai thực hiện, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có từ 20% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn NTM; 57% số xã đạt chuẩn NTM, không có xã dưới 10 tiêu chí; tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên gấp 1,5 lần so với năm 2020.
Đến năm 2030, 100% số xã hoàn thành đạt chuẩn NTM; duy trì 2 huyện đạt chuẩn NTM và phấn đấu có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM…
Để thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang đã có những cách làm sáng tạo, mang bản sắc riêng của tỉnh như: Ban hành các văn bản và cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh; lựa chọn khâu đột phá về hạ tầng nông thôn như: kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa để người dân thực hiện với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh lựa chọn khâu đột phá về phong trào làm đường giao thông nông thôn. Đây cũng là tỉnh đi đầu trong cả nước về phong trào bê tông hoá đường giao thông nông thôn.
Trong giai đoạn 2016-2020, tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào bê tông hoá đường giao thông, để hạ tầng nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ và hiện đại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, đến nay việc triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng và Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn vẫn đang triển khai thực hiện theo tiến độ.
Riêng kết quả thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 1 đã hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đặt ra. Các công trình kiên cố hóa kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn hoàn thành đưa vào sử dụng là cơ sở hạ tầng, kỹ thuật quan trọng phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần phục vụ sản xuất của nhân dân, nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương toàn tỉnh lên 74,6%.