Đây là nhận định của tờ Financial Times. Theo tờ báo Anh, xung đột ở Ukraine đang chững lại do các nhóm xe tăng, hoặc xe bọc thép của Ukraine đều có thể bị UAV Nga "phát hiện và tiêu diệt trong vòng vài phút". Điều này càng nhấn mạnh thực tế tại vùng xung đột, Nga vẫn “duy trì ưu thế lớn” khi sở hữu đội quân UAV hùng mạnh, và tận dụng tối đa khả năng của loại vũ khí này.
Một trong những nỗ lực chính của quân đội Nga trong năm 2023 là ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine. Vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nhiệm vụ này đã hoàn thành. Ông cho biết quân đội Ukraine đã thiệt hại hơn 125.000 binh sĩ và 16.000 vũ khí trong quá trình phản công 6 tháng. Theo Bộ Quốc phòng Nga, UAV và các hệ thống tác chiến điện tử đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực trên.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Nga đã sử dụng UAV quân sự để thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao nhằm vào quân đội Ukraine. Nổi tiếng nhất là UAV cảm tử Lancet của Nga. Thậm chí, truyền thông phương Tây còn gọi UAV Lancet là "cơn ác mộng tồi tệ nhất" của các lực lượng Ukraine.
Khác với Nga, công nghệ tác chiến điện tử của Ukraine vẫn còn lúng túng, khiến binh sĩ và vũ khí của các lực lượng Kiev "dễ trở thành con mồi cho đòn tấn công bằng pháo sử dụng UAV dẫn đường, UAV thả bom, và UAV cảm tử của Nga".
Ngoài ra, Nga còn triển khai các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại để đối phó với nhiều loại đạn dẫn đường chính xác mà phương Tây cung cấp cho Ukraine như tên lửa HIMARS, hay đạn pháo Excalibur.
Các chuyên gia quân sự phương Tây cũng từng nhận định, việc Ukraine không sở hữu năng lực tác chiến điện tử ngang hàng với Nga là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc phản công thất bại của Kiev.