Tờ Ukrinform dẫn thông cáo từ Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, Nga đang thực hiện các phương án chuẩn bị cho một đợt tổng động viên binh sĩ ‘một cách thầm lặng’ từ ngày 10/12 tới.

Pháo binh Ukraine khai hỏa gần Bakhmut, Donetsk. Ảnh: AP

“Ngoài ra theo thông tin tình báo sơ bộ, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Ukraine trong 24 giờ qua đã đẩy lui nhiều hướng tiến công của quân Nga ở các thị trấn Stelmakhivka thuộc tỉnh Luhansk; Bilogorivka, Marinka và Spirne nằm trong địa phận tỉnh Donetsk”, thông cáo viết.

“Tại thành phố Kupyansk thuộc tỉnh Kharkiv, đối phương tập trung vào các hoạt động tấn công. Ở tỉnh Donetsk, quân Nga tiếp tục các cuộc pháo kích nhằm vào các thành phố và thị trấn tại đây như Adriivka, Bilohorivka, Yakovlivka, Bakhmutske, Bakhmut, Klishchiivka. Chúng tôi cũng ghi nhận được việc Nga hôm 26/11 đã cho triển khai hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A tại khu vực lân cận thị ​trấn Stelmakhivka thuộc tỉnh Luhansk”, thông cáo viết thêm.

Chính quyền Moscow tới nay chưa đưa ra phản hồi về thông tin nước này sẽ thực hiện việc tổng động viên quân nhân được truyền thông Ukraine đăng tải.

Rộ tin NATO cạn kiệt vũ khí vì viện trợ Kiev

Tờ New York Times hôm 26/11 cho biết, kho khí tài của nhiều quốc gia phương Tây đã cạn kiệt “sau hàng loạt đợt viện trợ vũ khí cho Ukraine, và điều này khiến quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng khó theo kịp những cam kết của giới chính khách trong việc hỗ trợ cho Kiev”.

“Các quốc gia nhỏ trong khối NATO đang kiệt quệ tiềm lực của họ, khi có đến 20/30 nước thành viên đã ‘đánh tất tay’. Số quốc gia còn lại vẫn còn nhiều kho khí tài có thể cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, trong đó bao gồm Pháp, Đức, Italia và Hà Lan”, một quan chức NATO giấu tên cho hay.

Theo vị quan chức này, dù Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã từng nhiều lần tuyên bố rằng những quy định của khối trong việc yêu cầu các nước thành viên phải duy trì kho dự trữ khí tài không phải là lý do chính đáng để hạn chế viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nhưng các quốc gia có tiềm lực như Đức và Pháp, cũng như Mỹ, vừa muốn điều chỉnh mức vũ khí mà Ukraine sẽ nhận được, vừa muốn ngăn chặn cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang.

Tờ Japan Times dẫn lời cựu chiến lược gia về vũ khí từng làm việc tại Nhà Trắng Mark F. Cancian nhận định rằng, Ukraine hiện muốn phương Tây cung cấp cho nước này bốn loại vũ khí quan trọng, mà nhiều quốc gia trong khối NATO có vẻ như không muốn viện trợ cho Kiev.

Bốn loại khí tài đó bao gồm tên lửa tầm xa đất đối đất ATACMS có khả năng bắn vào nhiều mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga; các chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất; các xe tăng được phương Tây chế tạo và cuối cùng là nhiều hệ thống phòng không tiên tiến.