CNN dẫn lời Ngoại trưởng Nga Lavrov trong cuộc họp tại CHDC Congo, rằng các cuộc tấn công vào vùng Odessa, Ukraine không phá vỡ bất cứ thỏa thuận nào về ngũ cốc mà Moscow đã kí.

Ông Lavrov cho biết, Moscow chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự và việc tấn công Odessa là vì “khu vực này là mối đe dọa đối với Hạm đội Biển Đen của Nga”. Bởi, đây là điểm tập kết các thuyền chiến đấu của hải quân Ukraine, kho đạn dược và nơi chuyển giao các tên lửa chống hạm Harpoon.

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) bắt tay Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh thêm, khu vực neo đậu các tàu ngũ cốc tại cảng Odessa nằm cách đơn vị quân đội một khá xa nên sẽ không có trở ngại nào cho việc giao hàng như thỏa thuận đã ký. 

Ukraine phá hủy 50 kho đạn của Nga bằng HIMARS

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói nước này đang cố gắng phản công bằng Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ viện trợ và đã phá hủy 50 kho đạn của Nga. Ukraine đã tấn công "chính xác" một số cây cầu bắc qua 3 đoạn sông ở khu vực Kherson.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, Kiev đã nhận được 3 hệ thống pháo Gepard của Đức và dự kiến ​​sẽ nhận hàng chục chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard.

Tên lửa HIMARS được phóng trong quá trình huấn luyện ở Mỹ. Ảnh: Telegraph

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng nước này đã tấn công các kho chứa vũ khí của Ukraine, phá hủy nhiều vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev trong đó có tên lửa của hệ thống HIMARS cùng đạn pháo cho pháo tự hành M777.

Nga giảm một nửa lượng khí đốt qua Đức

Reuters dẫn thông báo của tập đoàn năng lượng Gazprom cho hay, phía Nga sẽ ngừng hoạt động thêm một tuabin tại trạm nén khí Portovaya thuộc hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1, sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật.

Theo đó, lưu lượng khí đốt trong đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống 33 triệu mét khối khí/ngày từ 27/7, bằng một nửa so với mức công suất 40% hiện nay.

Trước đó, Tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt giảm 60% dòng khí đốt đến Đức với lý do thiếu tuabin nén khí đang được sửa chữa ở Canada. Động thái này từ Gazprom được cho là để 'trả đũa' phương Tây bởi các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 được chụp tại Đức. Ảnh: Reuters

Tuy dòng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã được khôi phục lại sau 10 ngày ngừng vận hành để bảo trì, nhưng nhiều nước châu Âu vẫn lo ngại về việc Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt bất cứ lúc nào. Điều này buộc EU phải lên phương án đối phó khi mùa đông đang đến gần.

Như Quỳnh