Ngắt dòng khí thứ 3 từ Nga tới EU

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19/12 cho biết nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine (công suất khoảng 26 tỷ m3). Thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine tới châu Âu có trị giá nhiều tỷ USD/năm.

Trong một kế hoạch nội bộ, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga cũng cho rằng họ sẽ không chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine kể từ đầu năm 2025. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thừa nhận điều này.

Thông tin trên khiến một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Hungary, Áo, Slovakia, Italia và Séc, lo ngại. Đây là các nước vẫn nhận khí đốt của Nga thông qua đường ống đi qua Ukraine.

RussiaGasviUkraine Bruegel.gif
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine tới EU. Nguồn: Bruegel

Trước đó, đường ống Yamal - châu Âu (dài hơn 4.100km, công suất 33 tỷ m3 khí/năm) từ bán đảo Yamal và tây Siberia của Nga qua Belarus và Ba Lan tới Đức đã bị ngừng hoạt động vào tháng 5 do các lệnh trừng phạt đáp trả của Moscow đối với Warsaw hồi tháng 5/2022.

Còn đường ống khí đốt Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc - hoạt động năm 2011, công suất 55 tỷ m3/năm) đi qua Biển Baltic từ Nga tới Đức cũng ngừng hoạt động sau vụ rò rỉ năm 2022.

Trong khi đó, Nord Stream 2 (công suất 55 tỷ m3/năm) đi sát Nord Stream hoàn thành vào mùa thu năm 2021 nhưng chưa từng hoạt động sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

NordStream Foreign Policy.gif
Đường ống khí đốt Nord Stream và Nord Stream 2 đi qua Biển Baltic từ Nga tới Đức ngừng hoạt động năm 2022. Nguồn: Foreign Policy

Như vậy, hiện khí đốt Nga chỉ còn được vận chuyển tới châu Âu qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - TurkStream (công suất 33 tỷ m3 khí đốt) đi qua Biển Đen, bên cạnh việc vận chuyển khí hóa lỏng (LNG) bằng tàu biển.

Tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra khi châu Âu, trong đó gồm phần lớn các nước Tây Âu, không còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga. Theo Ủy ban châu Âu, EU có mục tiêu không ràng buộc là dừng mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027.

YalmaGasPiplines Wiki.gif
Đường ống Yamal - châu Âu (dài hơn 4.100km, công suất 33 tỷ m3 khí/năm) từ bán đảo Yamal và tây Siberia của Nga qua Belarus và Ba Lan tới Đức. Nguồn: WK

Châu Âu có lạnh giá?

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Gazprom đã giảm xuất khẩu khí đốt sang EU do lệnh trừng phạt của phương Tây và nghi án phá hoại hệ thống đường ống Nord Stream.

Cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid, giá cả hàng hóa tại châu Âu cũng như thế giới tăng vọt. Lạm phát tại EU vào giữa năm 2022 lên tới hai con số, tại Mỹ là 9,1%. 

Một số thành viên EU, gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, đã tự nguyện dừng nhập khí từ Nga, thay vào đó tăng mua khí hóa lỏng LNG từ Mỹ. 

Sau vụ nghi án Nord Stream bị phá hoại hồi năm 2022, Mỹ cho rằng điều đó sẽ không có lợi cho ai, nhưng đây là cơ hội rất quan trọng để EU có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tới đầu năm 2024, sau khi sự phụ thuộc vào khí của Nga giảm đáng kể, EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với ngành khí đốt của Moscow. Đây cũng là thời điểm lạm phát tại EU không còn quá cao.

Dù vậy, nhiều nước châu Âu, nhất là khu vực Đông Âu, vẫn phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga. Một số nước phụ thuộc 65% nhu cầu khí qua con đường trung chuyển của Ukraine (trong năm 2023).

Hơn thế, theo Bloomberg, các nhà cung cấp của Mỹ đã giảm lượng LNG vận chuyển đến EU do có xu hướng chuyển tới châu Á với mức giá cao hơn. EU phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc nhập khẩu LNG (bao gồm từ Mỹ).

Lạm phát trên thế giới nói chung và EU nói riêng đang tăng trở lại. Đây được xem là một thách thức với nhiều quốc gia trong khu vực.

TurkStream Kremlin.gif
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ khánh thành đường ống dẫn khí đốt TurkStream năm 2020. Ảnh: Kremlin

Nga xoay sở ra sao?

Có thể thấy, với khí đốt, Nga sẽ chỉ còn được vận chuyển tới châu Âu qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đi qua Biển Đen và vận chuyển khí hóa lỏng LNG bằng tàu biển.

Gần đây, người phát ngôn điện Kremlin cho biết Nga có thể sẽ tìm các tuyến đường ống dẫn khí đốt thay thế cho tuyến đi qua Ukraine nếu Ukraine không gia hạn thỏa thuận quá cảnh. Đó có thể là một hệ thống trung tâm khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 20/12, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary thông tin họ đã nhận được miễn trừ trong việc thanh toán khí đốt cho Nga sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Gazprombank. Như vậy, rào cản lớn đối với hoạt động buôn bán khí đốt với Moscow đã được tháo gỡ. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đều mua khí của Nga thông qua đường ống TurkStream.

Nguồn cung khí cho Slovakia hiện thông qua đường ống Ukraine. Nước này có thể phải tìm cách khác để mua khí đốt.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 25/12 cũng khẳng định Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua các đường ống không đi qua Ukraine, bao gồm hệ thống trung tâm khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng có thể vận chuyển LNG bằng tàu biển.

Nga tin tưởng châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của mình do lợi thế về hậu cần cũng như giá thấp.

Quyết định cứng rắn của ông Zelensky diễn ra khi ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng (vào ngày 20/1/2024) và mọi thứ có thể thay đổi. Trước đó, vị tổng thống đắc cử này tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột tại Ukraine một ngày sau khi lên nắm quyền.

Dầu và khí đốt là các mặt hàng chiến lược. Sự trồi sụt về giá có thể tác động lớn tới các nước chịu ảnh hưởng cũng như các nước được hưởng thụ. Nga từng mạnh lên rất nhanh nhờ giá dầu cao hồi năm 2008, giai đoạn 2011-2014 và năm 2022.

Vài năm gần đây, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã tận dụng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga để mua dầu và khí đốt giá rẻ từ Nga. Hôm 15/12, Nga ký ký thỏa thuận dầu mỏ kéo dài 10 năm, trị giá 13 tỷ USD/năm với Reliance của Ấn Độ.