5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất ngành dầu khí lãi khủng

Theo FiinTrade, 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành dầu khí báo lãi khủng trong 9 tháng đầu năm 2023 và phần lớn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Cụ thể, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt hơn 3.235 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt gần 6.186 tỷ đồng, hoàn thành 380% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2023.

Ông lớn kinh doanh xăng dầu Petrolimex (PLX) đạt lợi nhuận 2.288 tỷ đồng trong 9 tháng, gần hoàn thành kế hoạch năm. Trong khi đó, PV Oil (OIL) hoàn thành gần 144% kế hoạch năm. Dịch vụ Khoan Dầu khí PTVS (PVS) hoàn thành 108,5% kế hoạch. Khoan Dầu khí PVDrilling (PVD) vượt 200% kế hoạch lợi nhuận năm.

Riêng trong quý III/2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ. Còn Petrolimex tăng hơn 3,8 lần. PVDrilling cũng báo cáo lợi nhuận quý III đạt gần 133 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 52 tỷ đồng. PVOil lãi gần 235 tỷ đồng, so với mức lỗ 373 tỷ đồng cùng kỳ.

daukhi2023q3kqkd.jpg
5 ông lớn ngành dầu khí báo lãi lớn trong quý III/2023. (Nguồn: FinGroup)

Kết quả kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp ngành dầu khí được lý giải chủ yếu do giá dầu thô tăng.

Lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết giá dầu thô tăng và khoảng cách giá tốt đã làm cho tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đi lên. Giá dầu thô đã từ mức 80 USD/thùng hồi tháng 7 lên 94 USD trong tháng 9. Khoảng cách giữa giá sản phẩm và giá dầu thô cũng lớn hơn cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh ấn tượng cũng giúp tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong ngành tốt lên.

Tính tới cuối tháng 9, Lọc hóa dầu Bình Sơn có khoảng 36.470 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 45% so với đầu năm. Khoản tiền mặt lớn giúp BSR thu về cả nghìn tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng, tương đương trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này có hơn 4 tỷ đồng từ lãi tiết kiệm.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.

Trong khi đó, các “ông lớn” buôn bán xăng dầu PVOil hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận sự trở lại ấn tượng sau một cú trượt chân, giảm mạnh hoặc lỗ hàng trăm tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái khi giá dầu trong quý III/2022 sụt giảm, tồn kho lớn, tình trạng khó mua cả xăng dầu lẫn dầu thô và chi phí vận chuyển tăng cao, tỷ giá tăng…

Siêu dự án Lô B-Ô Môn có tín hiệu mới, nhiều doanh nghiệp dầu khí hưởng lợi

Gần đây, siêu dự án Lô B-Ô Môn đã có những diễn biến tích cực mới. Ngày 30/10, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam (PVN) đã tổ chức lễ ký kết và triển khai tại Hà Nội để khởi công đại dự án khí-điện Lô B-Ô Môn. Liên danh nhà thầu PTSC (PVS)-McDermott đã được trao gói thầu EPCI 1 với điều khoản giới hạn. Tổng giá trị của gói thầu này (bao gồm giàn vận hành trung tâm, khu sinh hoạt và một số giàn đầu giếng) ước tính có tổng giá trị là 1,1 tỷ USD. 

Siêu dự án Lô B-Ô Môn là một chuỗi sản xuất điện-khí lớn, với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, dự kiến cung cấp 5,06 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm trong thời gian 23 năm. Dòng khí đầu tiên có thể được khai thác vào năm 2026 và cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện khí (Ô Môn 1, 2, 3, 4) với tổng công suất 3,8 GW. 

lobomon tapchinlvn.jpg
Siêu dự án Lô B - Ô Môn. (Nguồn: NLVN)

Dự án bao gồm phần thượng nguồn (khai thác và xử lý khí Lô B), phần trung nguồn (đường ống dẫn khí vận chuyển khí) và phần hạ nguồn (4 nhà máy điện). Các chủ đầu tư chính của dự án bao gồm: PetroVietnam (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam), PVEP, MOECO, PTTEP (thượng nguồn), PV Gas (trung nguồn), Marubeni (nhà máy điện Ô Môn 2), và Tập đoàn Điện lực Genco 2 (Nhà máy điện Ô Môn 1).

Theo SSI Research, với việc Lô B-Ô Môn có bước tiến mới, những doanh nghiệp hưởng lợi chính vẫn là những doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD và trung nguồn có GAS, PVB.

Trong đó, PVS là doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên khi doanh nghiệp này bắt đầu xây dựng gói từ giữa năm 2024. Điều này sẽ thúc đẩy cả doanh thu và lợi nhuận mảng EPC (thiết kế, cung cấp công nghệ, xây dựng…) của PVS.

PVDrilling (PVD) có thể cũng sẽ có cơ hội tham gia hoạt động khoan trong giai đoạn xây dựng và phát triển dự án trong dài hạn (23 năm kể từ khi có dòng khí đầu tiên). Trong khi đó, PVB có thể sẽ tham gia vào một số gói thầu bọc đường ống, trong khi GAS có thể sẽ được hưởng lợi khi dự án bắt đầu cung cấp khí cho các nhà máy điện.

Hồi giữa tháng 10/2023, một loạt cổ phiếu ông lớn dầu khí có giá lên đỉnh lịch sử nhờ triển vọng ngành dầu khí tươi sáng khi giá dầu thô tăng mạnh.

Khi đó, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC khi đó đã lên gần 41.000 đồng/cp. Cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HOSE) - PV Drilling cũng tăng mạnh lên 29.000 đồng/cp - đỉnh cao trong gần 10 năm qua. Nhiều mã cổ phiếu dầu khí khác cũng tăng mạnh như GAS, BSR, PVB, OIL, PLX, PVC…

Hồi giữa tháng 10, nhóm cổ phiếu dầu khí và liên quan dầu khí liên tục leo dốc và đều ở quanh đỉnh một năm hoặc/và đỉnh lịch sử trong bối cảnh giá dầu thô leo thang và đang ở quanh đỉnh một năm qua.

Bên cạnh đó, theo Mirae Asset, Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 được kỳ vọng tạo ra những bước ngoặt lớn cho ngành dầu khí, giúp tháo gỡ nút thắt ở hoạt động thượng nguồn, khi trữ lượng khai thác tự nhiên đang giảm dần theo thời gian.

Tuy nhiên, trong 3 tuần qua, đa số các cổ phiếu này đã giảm 5-15% theo xu hướng chung trên thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí hồi phục trong 2-3 phiên gần đây.

Mặc dù cổ phiếu dầu khí giảm, hầu hết các dự báo vẫn có đánh giá tích cực về ngành này. VNDirect cũng cho rằng, dự án Lô B - Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành dầu khí trong thời gian tới.

Theo MBS, giá dầu thô thế giới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành dầu khí. MBS kỳ vọng giá dầu thô Brent trên thế giới sẽ đạt mức trung bình 93 USD/thùng trong quý IV/2023 và đạt 92 USD/thùng trong năm 2024.