Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã xem xét Báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc mang tên “Các Đại dương và Luật biển”.
Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS được coi như bản “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia.
UNCLOS dành riêng chương XII về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, trong đó có quy định các quốc gia thi hành các biện pháp phù hợp dù riêng rẽ hay phối hợp với nhau để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển.
Đến nay, Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.
Nhân kỷ niệm 40 năm thông qua UNCLOS, Báo cáo cho rằng cần thổi một luồng gió mới vào nỗ lực của các quốc gia và tổ chức quốc tế để tăng cường thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước và các Hiệp định thực thi văn kiện này.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027: "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là công ước lớn nhất ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đây cũng cơ sở để xây dựng nên Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995 hay Quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) về chống đánh bắt cá bất hợp pháp".
Tuy nhiên Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhận định, dù UNCLOS giống như "Hiến chương xanh" của nhân loại, việc tuân thủ công ước phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của các quốc gia thành viên.
Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994. Tới năm 2012, Luật Biển Việt Nam ra đời. Đây là văn bản được xây dựng dựa trên các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước.
Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi nhận định UNCLOS tạo cơ sở để chúng ta vững tin phát triển lĩnh vực dầu khí như một ngành kinh tế tiên phong, và đến nay vẫn là một ngành then chốt trong sáu lĩnh vực kinh tế biển cơ bản của đất nước. Tương tự với đánh bắt hải sản.
Còn nhiều vấn đề với ngành này, nhưng chúng ta cũng đã phát triển được nghề cá thương mại, đánh bắt với quy mô lớn, bài bản, song song với nghề cá truyền thống vốn đã tồn tại lâu nay. Một số lĩnh vực khác phát triển sau nhưng cũng rất hứa hẹn như hàng hải; du lịch biển; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, năng lượng tái tạo… Tóm lại, UNCLOS trao cho ta quyền pháp lý đi kèm với quyền được khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế biển.
Trên cơ sở UNCLOS, một dấu mốc không thể không nhắc đến là Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Có thể nói đây là lần đầu Trung ương ban hành một chiến lược riêng, thể hiện ý chí biển cả của dân tộc, hòa nhập với xu hướng thế giới nhìn nhận thế kỷ 21 là "thế kỷ của đại dương".
Tiếp đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 22/10/2018 đã định hướng tầm nhìn chiến lược biển, lấy trục phát triển bền vững là chính.