Hàng loạt vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn xảy ra, khiến nhiều người chết và bị thương, gây bất an cho người đi đường. Giải pháp nào xử lý triệt để vấn đề này?

PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT, Bộ Công an).

Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc liên tục ra quân tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Đại tá có thể lý giải vì sao lại như vậy?

Theo thống kê, trong đợt cao điểm ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm 2022 và Tết Quý Mão 2023, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý đến gần 20.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn chỉ trong 2 tuần (15-29/11).

Tức là mỗi ngày, hơn 1.400 tài xế bị xử lý. Con số này gấp 2,3 lần so với thời gian trước khi thực hiện cao điểm.

Từ 15/12/2021 đến nay, cả nước xảy ra 350 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu bia, làm chết 214 người, bị thương 268 người.

Chúng ta có thể thấy, mức độ của các vụ tai nạn có liên quan đến nồng độ cồn rất nghiêm trọng. Các vụ này, làm nhiều người thương vong, để lại hậu quả rất nặng nề. Qua phân tích, tài xế khi sử dụng rượu, bia thì không làm chủ được bản thân, điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, phần đường, làn đường... dẫn đến tai nạn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Ảnh: Hữu Nghị)

Nguyên nhân là do một bộ phận người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, xem nhẹ an toàn của bản thân và những người xung quanh.

Vẫn còn tình trạng người dân điều khiển phương tiện đến quán ăn, uống rượu, bia rồi lại tự đi về. Hay sử dụng rượu, bia xong vẫn lái ô tô chở 4-5 người về mà không có ai can ngăn.

Hiện nay, theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, mức phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất với ô tô là 40 triệu và 8 triệu đồng đối với xe máy, tước giấy phép lái xe lên đến 24 tháng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân đã có tâm lý “nhờn luật”, không sợ bị phạt, vẫn cố tình vi phạm.

Thêm vào đó, đây là dịp cuối năm, các cuộc liên hoan, tất niên, thăm thân… nhiều hơn, khiến vi phạm về nồng độ cồn có chiều hướng gia tăng.

Để xử lý triệt để vi phạm về nồng độ cồn và kiềm chế tai nạn giao thông, thời gian tới, lực lượng CSGT triển khai công tác này thế nào?

Lãnh đạo Bộ Công an vừa có chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn, song song với việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán.

Lực lượng CSGT sẽ tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, không ngoại lệ.

Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Bên cạnh việc xử lý đúng theo đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo Bộ Công an cũng giao lực lượng CSGT ghi lại đơn vị công tác của người vi phạm là công chức, viên chức, Đảng viên, lực lượng vũ trang… để thông báo về cơ quan, đơn vị, có hình thức xử lý.

Đồng thời, Cục CSGT cũng tăng cường tuyên truyền đến người tham giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia.

Từ đầu tháng 12 đến nay, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến nồng độ cồn. 

Mới đây, đêm 15/12, tài xế điều khiển ô tô BKS 30E- 927.58 đâm vào 2 xe máy, làm 4 người bị thương trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm). Qua kiểm tra nồng độ cồn, tài xế ở mức 0,46 mg/L khí thở.

Trước đó, tối 10/12, tài xế điều khiển ô tô BKS 30G- 111.52 đâm 10 xe máy, trong đó có 4 xe hư hỏng nặng, làm 4 người bị thương tại phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng). Tài xế gây tai nạn có mức vi phạm cao gấp 1,25 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định.

Đặc biệt, vụ tai nạn tại Đà Nẵng, tài xế ô tô gây tai nạn làm 3 người thiệt mạng đã vi phạm nồng độ cồn đến 1,288 mg/L khí thở. Tức là cao gấp 3,22 lần mức vi phạm tối đa.