Báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) nêu rõ, về tổng chi ngân sách nhà nước, thực hiện 7 tháng đạt 48% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 35,5%; chi trả nợ lãi đạt 59,2%; chi thường xuyên đạt 55,2% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng đầu năm nay được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đáng chú ý, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để chi cho công tác phòng chống dịch; các địa phương đã chi 0,76 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, đã xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân.
Cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều ưu tiên bố trí cho phòng, chống dịch Covid-19 |
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngày 16/7, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, ngân sách đã chi 21,5 nghìn tỷ đồngcho phòng, chống dịch Covid-10.Trong tổng số chi phòng chống dịch, có 8.400 tỷ đồng cho mua vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch; 13.100 tỷ đồng chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Cuối tháng 7 vừa qua, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.
Theo đó, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách Nhà nước năm 2021.
Quốc hội cũng cho phép Chính phủ ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Ngày 1/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định 1376/QĐ-TTg bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ động quyết định việc sử dụng kinh phí được giao cho phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến của công tác phòng, chống dịch và phù hợp với yêu cầu chuyên môn theo từng giai đoạn.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Bài và ảnh: Thu Thủy