Theo thống kê, cả nước có trên 42,8 triệu hộ nghèo, đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách với doanh số gần 830.000 tỷ đồng; hỗ trợ gần 6,3 triệu gia đình thoát nghèo. Giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động. Hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Hỗ trợ mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên. Xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất...

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương dân tộc thiểu số và miền núi.

Tính đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%. 

Từ 8.631 tỷ đồng dư nợ nhận bàn giao ban đầu, đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 271.101 tỷ đồng (gấp 32 lần). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 21,1%. Hiện nay, gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. 

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ. Dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Giai đoạn 2001 - 2005, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 9,88% xuống 2,23%.

Theo đánh giá, việc thực hiện hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Diệu Bình, Bạt Tuấn, Hà Sơn, Văn Lợi, Hà Sơn