Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính vẫn là chủ đề nóng được nhiều người bàn luận. Liệu người nghèo có thực sự ít bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này không?
Thuế và người nghèo
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 12/9, vấn đề tăng thuế VAT lại một lần nữa được bàn luận.
Khi được hỏi về vấn đề tăng thuế VAT, bà Lê Thị Mai Liên, Viện Chiến lược và chính sách tài chính - một đơn vị của Bộ Tài chính - trả lời không khác nhiều so với những gì các lãnh đạo Bộ này đã thông tin.
Dù đánh giá tăng thuế VAT bản chất là đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, DN chỉ là người thu hộ, nhưng bà Liên vẫn khẳng định: Tăng thuế giá trị gia tăng không tác động quá nhiều đến nhóm người có thu nhập thấp.
Đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính khiến dư luận bức xúc |
Vị chuyên gia này lại dẫn kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 của Tổng cục Thống kê để chứng minh cho ý kiến trên. Đó là nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; trong khi con số này ở nhóm thu nhập cao nhất chỉ là 39,6%. Các hàng hóa, dịch vụ trên đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của đối tượng mua nhóm hàng hóa, dịch vụ này.
Nhận định về mức tăng thuế giá trị gia tăng thêm 2 điểm phần trăm so với mức hiện hành có phù hợp, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng đây là câu hỏi rất khó.
“Tại điều kiện hiện nay, căn cứ các cơ sở lập luận, tôi chưa đủ cơ sở để xem mức tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% là phù hợp hay chưa phù hợp”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Ông Vũ Đình Ánh nói thêm là còn rất nhiều biện pháp cần thực hiện trước khi nghĩ đến chuyện tăng thuế, nhất là sắc thuế tác động mạnh toàn xã hội như thuế GTGT. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế bởi điều này không chỉ ảnh hưởng quy mô thu ngân sách mà còn tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các DN với nhau.
Với quan điểm "một Nhà nước hiệu quả là thu càng ít của người dân càng tốt, cực chẳng đã mới phải thu của dân", ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng: Nhiều khi không nhất thiết phải tăng thuế mới tạo ra nguồn thu tốt, có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
"Về thuế VAT, tăng thuế là việc khó. Nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã thay đổi giá cả, nhưng nếu cần thiết tăng thuế thì phải làm cho minh bạch, rõ ràng, giải thích rõ cho doanh nghiệp và nhân dân chia sẻ”, ông Giám nói.
Rau, củ quả không chịu thuế VAT nhưng vẫn chịu tác động nếu thuế tăng. |
Tăng thuế, tăng phúc lợi
Thời gian qua, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã lên tiếng phản bác lại các lập luận để tăng thuế VAT của Bộ Tài chính.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra những bất hợp lý trong lập luận của Bộ Tài chính khi cho rằng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế không chịu thuế giá trị gia tăng nên người dân không ảnh hưởng.
“Việc người dân chi cho giáo dục hay chăm sóc y tế thì không phải tất cả các khoản chi đó đều thuộc đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng. Việc đánh đồng các khoản chi cho y tế và giáo dục đều thuộc diện miễn thuế thật khó chấp nhận. Chẳng hạn khi người dân trả lời họ chi 100 đồng cho giáo dục, thì đâu phải tất cả 100 đồng chi ra đó điều được miễn thuế”, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn bình luận.
Tương tự, đối với dịch vụ y tế, tiền khám bệnh có thể không phải là khoản chi phí y tế lớn nhưng tiền chữa bệnh, tiền thuốc, nội trú, tiền sử dụng các thủ thuật y tế,... luôn là nỗi ám ảnh của người bệnh.
Bởi theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, hiện nay, khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nếu nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh thì sẽ không chịu thuế GTGT, nhưng nếu thuốc bán theo đơn, không nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh thì vẫn phải chịu thuế này. Ngoài ra, máy móc thiết bị chuyên dùng trong y tế như máy soi, chiếu, chụp; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương,... và các thiết bị chuyên dùng cho y tế khác vẫn chịu thuế GTGT tăng 5% (nếu được xác nhận của Bộ Y tế) hoặc lên đến 10% (nếu không có xác nhận của Bộ Y tế).
“Như vậy, người bệnh có thể không trực tiếp chịu thuế trên hóa đơn, nhưng trong giá sử dụng các dịch vụ y đã ẩn một phần gánh nặng chi phí thuế trong đó”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn khẳng định.
Dù vậy, vẫn có một điểm ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đồng ý với đại diện Bộ Tài chính là cùng với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội để giảm thiểu tác động của việc tăng thuế lên nhóm có thu nhập thấp này.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định cần phải sòng phẳng và tách bạch hai chuyện này, bởi không ai lấy gì đảm bảo tiền tăng thuế sẽ dùng để tăng chi phúc lợi cho người dân. Bên cạnh đó, việc lấy lý do nợ công tăng cao để phải tăng thuế là một lập luận thiếu trách nhiệm, vì nó càng khuyến khích tăng nợ công để dọn đường và biện hộ cho đề xuất tăng thuế.
Lương Bằng