Cứ "đến hẹn lại lên", hầu như đầu năm học mới nào cũng rộ lên vấn đề lạm thu ở không ít trường học trong cả nước. Một trong những thành phần bị "kết tội" tiếp tay lạm thu là Ban đại diện Cha mẹ học sinh (hay còn gọi hội phụ huynh học sinh).

Không ít ý kiến bàn luận về việc có nên tiếp tục duy trì hội phụ huynh này, sau những tai tiếng đã có. Tuy nhiên, một số người trong cuộc lại có những chia sẻ riêng, về lý do tại sao họ lại chấp nhận làm công việc dễ xảy ra điều tiếng này.

Bảng dự toán thu - chi tai tiếng vừa qua của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Mời 5, 6 người mới được 1 tham gia 

Cô T. – một giáo viên trường mầm non công lập ở quận 10, TP.HCM, cho biết đầu năm nào, cũng mất công thuyết phục phụ huynh tham gia hội phụ huynh của lớp.

“Nói thật, đúng là giáo viên thường có xu hướng tìm những phụ huynh có điều kiện kinh tế vì thực sự những người này mới tự tin làm việc chung. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn hơn cả là sự sẵn lòng dành thời gian cho lớp, bởi nhiều dịp nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh, chúng tôi làm không xuể”.

Đặc điểm của mầm non là các cô không theo lên lớp cùng các con, nên mỗi năm lại là một hội phụ huynh mới. Cô T. cho biết các cô thường được giáo viên chủ nhiệm lớp trước đó “phím” cho những người ở hội phụ huynh cũ hoặc những phụ huynh nhiệt tình có khả năng tham gia.

“Nhưng có năm tôi phải gọi điện, mời và thuyết phục tới người thứ 6 mới “tìm” được trưởng ban đại diện. Ai cũng có lý do công việc, gia đình nên không thể tham gia". Có một vị trưởng ban mà cô T. không thể quên là một phụ huynh nam. 

“Anh này đã đồng ý làm, tuy nhiên vào năm học, do công việc nên gần như không thể đồng hành với lớp. Quỹ lớp, anh cũng không có thời gian thu nên đề nghị chuyển khoản 5 triệu đồng tiền riêng cho tôi để chi tiêu cho lớp. 

Đương nhiên tôi từ chối. Nhưng học kỳ đó quả là vất vả với giáo viên chúng tôi khi những ngày lễ, Tết tổ chức cho các con, chúng tôi phải tự kêu gọi phụ huynh hỗ trợ công sức và đồ trang trí lớp, quà bánh bày trung thu… Chúng tôi cũng phải “xin” phụ huynh giấy cho các con vẽ, chai lọ bỏ không để làm thêm dụng cụ học tập, xin cả cây về trang trí ban công… lúc có lúc không lúc nhiều lúc ít".

Theo cô T., với lứa tuổi nhỏ như học sinh mầm non hay tiểu học, sự đồng hành của hội phụ huynh trong các hoạt động của lớp là thực sự cần thiết vì các bé còn quá nhỏ.

Chi thêm tiền nhà để 'vác tù và' cho lớp

Là một người mẹ tham gia hội phụ huynh 3 năm nay - kể từ khi con vào lớp 2, chị Ngọc Anh (Q.1, TP.HCM) thẳng thắn chia sẻ mình nhận việc này vì "hoàn cảnh xô đẩy".

"Thật ra, ít có phụ huynh nào muốn tham gia vào hội phụ huynh, ngay cả tôi, khi con mới vào lớp 1 dù được kêu gọi nhưng nhất quyết từ chối. Bởi trong lớp có gần 40 phụ huynh, bao giờ cũng có người ủng hộ và người không ủng hộ hoạt động của hội. Vì thế, làm ở hội phụ huynh thực sự phiền phức, mất thời gian.

Còn nếu bảo chúng tôi vào hội phụ huynh để cô giáo chú ý, quan tâm hơn tới con mình thì nói thật là thiếu gì cách, đâu cứ phải vào hội phụ huynh cho mất thời gian".

Tuy nhiên, sau một năm, điều khiến chị Ngọc Anh chấp nhận vào hội phụ huynh là do người trưởng ban năm lớp 1 đã thực hiện quá dở vai trò của mình, khiến không chỉ các phụ huynh trong lớp bất bình, giáo viên cũng không hài lòng.

“Cách chi tiêu của chị này trong việc mua bán chăn đệm đầu năm học cho các con, trong những dịp lễ, Tết khiến chúng tôi cảm thấy không rõ ràng. Hơn nữa, cách giao tiếp của chị đó với các phụ huynh khác nhiều khi khiến mọi người bất bình. Ngay cả 2 thành viên còn lại trong hội phụ huynh cũng không muốn tiếp tục làm việc cùng chị đó”.

Vì vậy, tới buổi họp phụ huynh đầu năm lớp 2, các phụ huynh trong lớp thống nhất không tiếp tục bầu chị này vào hội phụ huynh nữa dù chị vẫn tha thiết làm. “Sau khi đắn đo nhiều, tôi quyết định tham gia dù biết rằng sẽ rất mất thời gian, công sức”. 

Tuy nhiên, không chỉ công sức hay thời gian mà chị Ngọc Anh còn mất thêm cả tiền bạc.

Nhiều hội phụ huynh học sinh thực sự phát huy được vai trò đúng đắn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

“Quỹ lớp đóng 1 triệu 1 học kỳ, hội phụ huynh thu xếp để chi đủ cho các hoạt động như học kỳ I có bữa tiệc nhỏ ngày khai giảng, mỗi tháng các con có một bữa sinh nhật chung, trung thu, ngày 20/10, ngày 20/11, Noel và Tết dương lịch. 

Coi như có khoảng 9 lần chi tiền, trung bình mỗi lần hết 100 nghìn/học sinh. Bù qua sớt lại, có những dịp chúng tôi tổ chức đơn giản như tiệc ngọt chỉ hết khoảng 50 nghìn/bé, nhưng có những dịp chúng tôi cho các cháu vào khu vui chơi, ra nhà hàng ăn uống tốn tiền hơn. Dịp 20/11 hay Tết, hội phụ huynh cũng có quà chung cho giáo viên. 

Có những buổi lớp tập thể thao hay văn nghệ, tôi còn gọi đồ uống về cho các em, tự chi tiền của mình cho nhanh chứ không tiêu vào tiền chung. Bởi có vài trăm nghìn mà lại phải kê bảng với giải thích cũng mệt, rồi có những phụ huynh không có con đi tập văn nghệ hay thể thao mà lại thấy tiền mình đóng góp chi cho những bé khác chắc gì đã hài lòng.

Phụ huynh bây giờ tinh lắm, họ thấy đóng mức đấy mà con cái họ thụ thụ hưởng như thế nên không ai phàn nàn” - chị Ngọc Anh bày tỏ.

Từng tham gia hội phụ huynh của cả 2 người con, anh Minh Long (quận 3, TP.HCM) khẳng định anh tự tin nhận việc vì thực hiện đúng vai trò “đại diện”, cố gắng là cầu nối giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. 

Theo anh Long, trước hết, thu tiền của phụ huynh là việc phải hết sức thận trọng và tế nhị. Đồng thời, mọi khoản chi ra phải minh bạch và đúng mục đích chung đã được các phụ huynh trong lớp thống nhất.

“Ở những lớp tôi từng làm trong hội phụ huynh, khi kêu gọi đóng góp, chúng tôi có đưa ra một mức chung nhưng luôn nói rõ là những phụ huynh không có điều kiện có thể không đóng, các con của họ vẫn được hưởng quyền lợi như những bạn khác. Đồng thời, tôi cũng kêu gọi những phụ huynh có điều kiện và những mạnh thường quân có thể hỗ trợ thêm. Danh sách thu cũng không nêu tên các học sinh mà cha mẹ không đóng góp.

Thường thì 3 người trong hội phụ huynh luôn ủng hộ nhiều hơn, thậm chí một số hoạt động chúng tôi tự bỏ tiền túi chứ không sử dụng quỹ chung. Còn việc chi tiêu cho lớp, nếu có vài ý kiến phản đối mà không thuyết phục được, chúng tôi cũng dừng không làm nữa”. 

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng, theo anh Long đó là hội phụ huynh không chỉ lo việc “ăn, chơi” mà còn phải bám sát chặt chẽ việc học của các con.

“Ví dụ như chúng tôi tiếp nhận những nhận xét của học sinh và phụ huynh về các giáo viên trong trường hợp họ không dám trao đổi trực tiếp với thầy cô. Từ đó phản ánh tới giáo viên chủ nhiệm để có những cách giải quyết hợp lý, giúp việc học chất lượng hơn. Được như vậy, hội phụ huynh sẽ thực sự phát huy được hết vai trò của mình và khi đó chắc không ai còn đòi “xóa xổ” nữa”.

Ban đại diện cha mẹ học sinh (hay hội phụ huynh) do giáo viên chỉ định hoặc các phụ huynh đề cử, bầu chọn. Bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ học sinh, giáo viên, không ít hội phụ huynh bị cho là tiếp tay cho nạn lạm thu, gây quan điểm trái chiều. Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Độc có thể gửi phản hồi dưới bài viết hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn.