Theo The Sun, hiện Trung Quốc tràn ngập các “đô thị ma”, nơi các khu chung cư bị bỏ hoang hoặc vắng người ở, với khoảng 65 triệu căn nhà trống.
Nhiều toà nhà cao tầng trống rỗng, công viên rộng lớn và tượng đài vĩ đại là kết quả của sự trỗi dậy về kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua.
Chưa có quốc gia nào phát triển nhanh và xây dựng ồ ạt như Trung Quốc. Hệ quả là nhiều “đô thị ma” ở khắp đất nước và thị trường bất động sản đang lao dốc.
Bên cạnh những đô thị nhộn nhịp, tại Trung Quốc có không ít thành phố xây dựng dang dở, thậm chí một số nơi có nhiều toà nhà và công trình bị bỏ hoang.
Theo tờ Insider, Trung Quốc có khoảng 65 triệu ngôi nhà bỏ trống vào năm 2020. Số nhà này có thể đáp ứng cho dân số của cả nước Pháp.
Sự bùng nổ xây dựng tại Trung Quốc bắt đầu từ cuối những năm 1990. Những thửa đất nông nghiệp lớn ở nông thôn bị thu hồi để phát triển đô thị. Đây là cách các lãnh đạo địa phương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “giả tạo” nhằm rộng đường thăng tiến.
Các căn hộ chung cư nhanh chóng về tay giới đầu tư, những người không có nhu cầu ở thực, và giá liên tục tăng. Điều này dẫn đến “bong bóng” bất động sản và các khu đô thị vắng người ở.
GS.Max Woodworth - Chuyên gia về đô thị hóa Trung Quốc cho biết, các nhà phát triển và người mua nhà ở Trung Quốc luôn tin rằng giá trị tài sản của họ sẽ tăng đều đặn. Họ mặc nhiên các khu đô thị sẽ đông dân theo thời gian và giá nhà không thể giảm.
Tuy vậy, giá nhà ở Trung Quốc đã giảm mạnh hơn năm qua khi khủng hoảng bất động sản tại nước này ngày càng sâu rộng.
GS.Max Woodworth cho hay, các địa phương thu được khoản tiền lớn khi cho các nhà phát triển thuê đất. Để ngăn chặn việc xây dựng các “đô thị ma” ở Trung Quốc cần có sự thay đổi rất lớn trong nền kinh tế chính trị.
Một trong những “thành phố ma” nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là Kangbashi, thuộc Khu đô thị Ordos tại Khu tự trị Nội Mông.
Thành phố có kiến trúc đẳng cấp thế giới và những quảng trường công cộng xa hoa này dự kiến sẽ có 1 triệu người sinh sống. Nhưng đến năm 2016, nơi này chỉ có 100.000 dân.
Theo Nikkie, Kangbashi đã thu hút nhiều dân hơn sau khi các trường học hàng đầu được dời về thành phố.
Trong khi đó, TP.Tianducheng được xem là sự thất bại về đô thị hoá. Nằm ở ngoại ô Hàng Châu, các thửa đất nông nghiệp đã được biến thành “Paris của Trung Quốc”.
Xây dựng vào năm 2007, nơi đây có một bản sao thu nhỏ của tháp Eiffel và đài phun nước như ở Vườn Luxemburg.
Tuy vậy, rất ít người dân chuyển đến và thành phố bị bỏ hoang ngoài khách du lịch ban ngày từ các thành phố lân cận muốn có một bức ảnh trước bản sao tháp Eiffel.
Còn tại Chenggong, gần Côn Minh, có rất ít dấu hiệu của cuộc sống đô thị trong nhiều năm. Nơi đây có nhiều đại lộ nhưng thưa vắng xe cộ và không ít toà nhà cao tầng bỏ trống.
Gần đây, Chenggong đã nhộn nhịp hơn khi chính phủ dời các trường đại học và các khu hành chính về đây.
Dù một số “đô thị ma” của Trung Quốc được hồi sinh nhờ các chính sách của chính phủ nhưng nhiều nơi vẫn rất đìu hiu.
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc gây áp lực lên khoản nợ 1.600 tỷ USD
Dự báo gây sốc về bất động sản Trung Quốc, dự tính bơm 44 tỷ USD giải cứu
Quang Đăng (dịch)