Chị tôi làm công nhân may ở TP.HCM từ năm 18 tuổi, đến nay chị đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được gần 30 năm.
Chị chia sẻ, bây giờ sức đã yếu nên không thể làm tăng ca, tăng kíp như các lao động trẻ. Chị tính sẽ cố làm thêm vài năm nữa rồi nghỉ việc xin nghỉ hưu sớm.
Theo quy định hiện hành, nếu tiếp tục làm việc thêm 5 năm tới chị tôi mới 53 tuổi và có 35 năm đóng BHXH, tức là thừa 5 năm hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Tuy nhiên vì chưa đủ tuổi hưu nên khi về trước tuổi mỗi năm chị vẫn bị trừ 2% lương hưu.
Quy định này chưa công bằng với những người tham gia thị trường lao động sớm như chị. Bởi lẽ, trong khi về hưu sớm bị trừ 2% lương mỗi năm thì những năm đóng thừa BHXH hưởng lương hưu tối đa chị chỉ được nhận trợ cấp một lần 0,5 tháng lương cơ bản. Số năm chị đóng thừa cũng không được hoán đổi để không bị trừ 2% lương hưu cho mỗi năm về sớm.
Trường hợp của chị tôi chỉ là một trong rất nhiều công nhân hiện nay đi làm từ khi tuổi còn rất trẻ, đã thừa năm đóng BHXH để hưởng 75% lương hưu, nhưng lại chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Khi thuộc đối tượng về hưu sớm do bị trừ mức hưởng nên phải nhận mức lương hưu thấp.
Làm tăng người rút BHXH một lần
Hiện nay tuổi hưu đang được điều chỉnh tăng theo lộ trình lao động nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi trong điều kiện lao động nam đóng BHXH 35 năm, nữ đóng 30 năm mới được hưởng tối đa 75% lương hưu.
Tuổi hưu quá cao, trong khi nhiều người tham gia thị trường lao động sớm nên thời gian đóng BHXH quá dài. Do vậy thay vì chờ đến tuổi nghỉ hưu họ đã tính toán rút BHXH một lần. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động rút "một cục" tăng cao trong thời gian qua.
Nhiều người đi làm từ khi 18 đến 20 tuổi, để chờ đến tuổi hưu họ có tới hơn 40 năm đóng BHXH. Trong nhiều trường hợp họ đã tính toán, thay vì chờ đến tuổi hưu và nhận trợ cấp mỗi năm đóng thừa BHXH 0,5 tháng lương thì chỉ làm đến dưới 20 năm rối xin nghỉ việc chờ rút “một cục”.
Sau khi rút BHXH một lần, do tuổi đời mới chỉ 40 đến 42 nên nhiều người xin đi làm lại và đóng BHXH lại từ đầu vẫn đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Tính toán trên của người lao động xuất phát từ chính sách BHXH hiện nay còn cứng nhắc. Việc người lao động rút BHXH một lần rồi sau đó tham gia BHXH lại từ đầu sẽ làm cho hệ thống an sinh trở nên dễ tổn thương, thiếu bền vững.
Khi người lao động rút một cục, rồi quay lại làm việc và đóng đủ BHXH 20 năm cho đến khi nghỉ hưu sẽ dẫn đế hệ quả là mức lương hưu quá thấp, không đủ sống khi về già.
Cần công bằng với người đóng BHXH vượt trần
Góp ý trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần đề xuất, nên cho phép người lao động đóng BHXH trên 30-35 năm được hoán đổi thời gian đóng thừa cho tuổi đời còn thiếu để nghỉ hưu sớm mà không bị trừ 2% lương hưu.
Nếu đề xuất được thực thi, số người rút BHXH hội một lần sẽ giảm. Thậm chí nếu thôi việc họ sẽ cân nhắc đóng BHXH tự nguyện để chờ hưu trí.
Vẫn biết mục đích kéo dài tuổi hưu, hạn chế người về hưu trước tuổi để tránh tình trạng già hoá dân số tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh.
Nhưng công bằng nhìn nhận, nếu người lao động tham gia hệ thống BHXH sớm thì những đóng góp của họ cần được tính toán phù hợp, đảm bảo công bằng khi họ có thời gian tham gia BHXH vượt mức trần quy định 30-35 năm.
Do vậy, bên cạnh đề xuất cho hoán đổi thời gian đóng thừa BHXH không bị trừ 2% lương hưu cho mỗi năm về sớm, với những người đóng BHXH trên 30 năm với nữ, và 35 năm với nam thì số năm đóng vượt trần cần được thanh toán như BHXH một lần.
Thay vì mỗi năm đóng thừa BHXH khi về hưu được 0,5 tháng lương như hiện nay, các nhà làm luật có thể nghiên cứu sửa đổi theo hướng những năm đóng thừa hưởng mức lương tối đa sẽ được tính như rút BHXH một lần.
Giải pháp này giúp người lao động nhận thấy quá trình công tác số năm thừa chưa được thanh toán bây giờ thì khi về hưu sẽ được thanh toán như chế độ BHXH một lần, thời điểm thanh toán khi về hưu đóng càng cao thì mức đóng càng lớn.
Quy định như vậy sẽ khuyến khích người lao động ở lại hệ thống cho đến khi nghỉ hưu, hạn chế người rút BHXH một lần.
Vũ Điệp