Năm học mới đã bước sang tháng thứ 2. Hầu hết các trường đều đã tổ chức họp phụ huynh để thông báo tình hình học tập, phương hướng, mục tiêu hoạt động trong năm học mới. Đây cũng là lúc giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh gặp gỡ, trao đổi để thấu hiểu nhau hơn.

Tuy nhiên câu chuyện thu chi lại là vấn đề "chiếm sóng" chủ yếu trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm và cả các các diễn đàn mạng xã hội.

Giáo viên cũng “né” công tác chủ nhiệm

Vào đầu năm học, ban giám hiệu của trường nơi tôi dạy thường lấy nguyện vọng dạy học và công tác chủ nhiệm của giáo viên trước khi sắp xếp giảng dạy, qua đó, đáp ứng phần nào mong muốn của giáo viên.

Một điều năm nào cũng xảy ra là rất nhiều giáo viên có nguyện vọng không làm công tác chủ nhiệm. Các thầy cô chia sẻ chủ nhiệm lớp gặp rất nhiều áp lực, luôn bận bịu với công việc của lớp, còn lại rất ít thời gian để nâng cao chuyên môn và chăm lo việc gia đình.

Nếu may mắn gặp lớp nhiều học sinh ngoan, phụ huynh đồng hành, giáo viên sẽ nhàn một chút, nếu không sẽ vất vả vô cùng. Lớp học luôn phát sinh những câu chuyện không theo kịch bản, giáo án nào. Có hôm vừa về đến nhà, cô giáo đã bị gọi ngược trở lại vì chuyện của lớp, điện thoại có thể rung chuông bất cứ giờ nào bởi những thắc mắc của phụ huynh, học sinh.

W-tuongvy-244-1.jpg
Học sinh THPT. Ảnh minh họa

Một trong những áp lực lớn nhất đối với giáo viên có lẽ là buổi họp phụ huynh đầu năm. Ngoài tình hình học tập, các hoạt động của lớp, các khoản thu chi cũng được bàn luận. Đó là các khoản thu hộ, chi hộ, thu theo thỏa thuận... đặc biệt là vấn đề trang bị cơ sở vật chất, tài trợ cho các hoạt động của lớp.

Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp đầu cấp, áp lực còn tăng lên vài lần vì nhiều vấn đề học tập còn bỡ ngỡ với học sinh, phụ huynh, đặc biệt là cơ sở vật chất đầu cấp học. Thầy cô cũng có con đi học, ở một góc cạnh nào đó, họ cũng là phụ huynh. Vì vậy, giáo viên hiểu đầu năm, phụ huynh phải lo toan nhiều chi phí cho con như sách vở, quần áo... và không phải ai cũng có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên nhiều cuộc họp phụ huynh đã khiến giáo viên không khỏi áp lực, ngao ngán.

Khi nêu ra các khoản thu sẽ có nhiều thắc mắc của phụ huynh đòi hỏi giáo viên phải giải đáp thấu đáo. Trong lớp, chỉ cần có một phụ huynh không đồng thuận, ý kiến trái chiều, buổi họp phụ huynh sẽ căng thẳng. Lớp học thường có những học sinh cá biệt và đương nhiên luôn có những phụ huynh khác biệt. Họ luôn đòi hỏi thầy cô phải chăm lo cho học sinh thật tốt, nhưng khi bàn đến chuyện tiền nong sẽ gây khó dễ, cãi chày cãi cối, cuối cùng là tìm cách trốn tránh.

Họ không đóng tiền hoạt động lớp, nhưng con của họ không được thiếu bất cứ một hoạt động hay quyền lợi nào. Những phụ huynh khác sẽ bất bình, phản ứng lúc này giáo viên chủ nhiệm phải thực sự khéo léo nếu không buổi họp lớp sẽ biến thành "trận chiến".

Thấu hiểu, chia sẻ và minh bạch

Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã có từ lâu, không thể phủ nhận tác động to lớn đến môi trường học tập của học sinh. Dù nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn ngân sách lớn cho sự nghiệp trồng người nhưng chỉ đáp ứng một phần nào nhu cầu hàng năm của các trường học.

Hoạt động giáo dục ngày càng phong phú, đa dạng nhằm tạo cho học sinh có nhiều trải nghiệm, phát triển toàn diện. Điều này đòi hỏi phải tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng các hoạt động và cần sự chung tay giúp sức của phụ huynh. Các hoạt động phong trào hàng năm như: Ngày Nhà giáo Việt Nam, phong trào hội xuân, ngày thành lập đoàn, hoặc các tiết học dự án, tiết học STEM... đều cần kinh phí hoạt động.

Các em ngày nay có nhu cầu khác với thế hệ cha mẹ mình, nhất là đối với trẻ em ở thành phố, nhu cầu cuộc sống tương đối cao. Tôi dạy ở TP.HCM cũng được 15 năm, đa phần được giao chủ nhiệm lớp, ở một nơi sôi động, hiện đại bậc nhất cả nước, nhu cầu hoạt động ngoại khóa, tham gia phong trào, các hoạt động của lớp rất nhiều.

Muốn thực hiện được điều này cần nguồn kinh phí rất lớn. Về cơ sở vật chất, phụ huynh luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các con. Họ không ngại đầu tư sức người, sức của miễn sao các con thấy vui vẻ, hạnh phúc khi tới trường. Khi thực hiện mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, tôi thường nhờ phụ huynh trực tiếp làm theo hình thức chìa khóa trao tay. Một số phụ huynh khó khăn, tôi vận động các mạnh thường quân trong lớp giúp đỡ, đóng góp, ủng hộ cũng không cào bằng.

Nhờ phụ huynh thấu hiểu, đồng hành, mọi công việc của lớp đa phần suôn sẻ. Kinh phí hoạt động của lớp thường được thu thành nhiều đợt, tránh gộp lại tạo áp lực cho phụ huynh. Những hoạt động, mua sắm thực sự cần thiết mới làm, còn sử dụng được từ năm trước sẽ tận dụng. Mọi chi phí đều phải minh bạch rõ ràng giữa các phụ huynh trong lớp, thầy cô giám sát công khai.

Có thể nói rằng nếu có sự thấu hiểu, đồng thuận từ phụ huynh và sự minh bạch từ nhà trường, vấn đề thu chi sẽ không phải là điều trăn trở lớn nhất đầu năm học.

An Phú (Giáo viên tại Quận 1, TP.HCM)    

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn có ý kiến về vấn đề này có thể gửi vào phần phản hồi bài viết hoặc về email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn.
Điều gì khiến hội phụ huynh bị 'tẩy chay'?

Điều gì khiến hội phụ huynh bị 'tẩy chay'?

Sau khi được đăng tải, bài viết "Vật vã tìm người tham gia hội phụ huynh học sinh" nhận rất nhiều ý kiến trái chiều của độc giả, không ít trong số đó tiếp tục đề nghị bỏ hội này.