Sau khi có 2 ca nhiễm SARS-CoV-2, từ 13h ngày 26/7, Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tạm dừng đón khách du lịch trong vòng 14 ngày. Trước thông tin trên, các hãng lữ hành khẳng định đã có giải pháp ứng phó, phương án hỗ trợ du khách.
Đại diện Vietravel cho biết đã chủ động hủy toàn bộ tour du lịch đến Đà Nẵng từ ngày 26-31/7. Như vậy, tổng cộng 110 đoàn khách, tương đương khoảng 4.500 người, phải thay đổi kế hoạch du lịch trong vòng 15 ngày này. Hiện tại, đơn vị khẩn trương liên lạc và tư vấn cho khách hàng chuyển đổi tour sang các thị trường khác như miền Bắc, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn.
Đối với những du khách còn lo ngại tình hình dịch bệnh nên trì hoãn kế hoạch du lịch, doanh nghiệp bảo lưu giá trị tour dưới dạng voucher để khách có thể sử dụng sau. Trước đó, khoảng 63 đoàn khách được công ty tổ chức tour du lịch ở Đà Nẵng đã được đưa về an toàn từ tối 25/7.
Chiều 26/7, các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt công bố kế hoạch tăng chuyến bay cả ngày lẫn đêm từ Đà Nẵng đi các địa phương trên cả nước. Ảnh: Thanh Đức. |
Có thể hủy hoặc hoãn chuyến
Lữ hành Saigontourist cũng đang trao đổi với khách hàng để chuyển đổi tour đi Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ nay đến 15/8. Theo thống kê sơ bộ, có gần 3.000 khách hàng dự định khởi hành đến Đà Nẵng trong giai đoạn này.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty lữ hành AZA Travel, cho biết đối với những đoàn đã lên kế hoạch du lịch tại Đà Nẵng, khách hàng có thể lựa chọn hủy hoặc hoãn chuyến. Nếu vẫn muốn đi, hãng hướng cho khách đến một số địa điểm du lịch thay thế, có thể kể đến Nha Trang.
Đại diện AZA Travel thông báo hiện không dẫn đoàn khách nào du lịch tại Đà Nẵng. Tuy nhiên theo ông, Việt Nam có những biện pháp chống dịch rất tốt, do đó du khách tại Đà Nẵng không nên quá lo lắng dẫn đến hoang mang, hoảng loạn.
Đại diện Flamingo Redtours cũng khẳng định sẽ dừng toàn bộ tour khởi hành sau 14h ngày 26/7. Những tour đang đi Đà Nẵng sẽ tiếp tục phục vụ chu đáo theo chỉ đạo của UBND TP. Đơn vị này sẽ thay đổi linh hoạt lịch trình trong tour và hoàn tiền những điểm thu phí nhưng hiện bị đóng cửa.
"Các tour khởi hành trong 14 ngày kể từ hôm nay sẽ được hoãn. Tuy nhiên, việc đổi sang hành trình khác thì phía công ty không thể đơn phương quyết định. Điều này còn phụ thuộc vào những đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, khách sạn...", ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, nói.
Nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và người dân trong bối cảnh này, các công ty lữ hành cho hay sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch địa phương và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.
Tối 26/7, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, gửi tâm thư cho du khách vì những bất tiện do dịch Covid-19 gây ra. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Đặc biệt, du khách được phát khẩu trang y tế và nước rửa tay khô liên tục trong quá trình đi tour, đồng thời khai báo sức khỏe cho đến 14 ngày sau khi kết thúc tour. Các đối tác cung ứng dịch vụ gồm vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan cũng được yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
"Vietravel đã chủ động phối hợp và yêu cầu các nhà hàng có phương án phân chia đồ ăn theo từng phần riêng cho khách hoặc để sẵn các bộ đũa, muỗng riêng của từng món ăn để gắp các thức ăn từ những phần ăn chung", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, nhấn mạnh.
Bà khẳng định thêm phương tiện vận chuyển được khử trùng định kỳ thường xuyên trước khi chuyên chở khách và sau khi kết thúc hành trình tour với các dung dịch sát khuẩn theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đề nghị thống nhất việc bồi hoàn tiền dịch vụ
Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết sau khi Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải tạm dừng đón khách trong vòng 14 ngày, các hãng hàng không đã có chính sách, hướng dẫn cho hoàn hoặc hủy vé.
Trong khi đó, công ty lữ hành này đang phải đàm phán với các đối tác như khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí về các dịch vụ đã cọc tiền. Ông Đạt nói việc bồi hoàn tiền hiện dựa vào chính sách của từng khách sạn, khu resort.
“Tôi cho rằng nên có chỉ đạo thống nhất về việc bồi hoàn tiền đã cọc do không thực hiện dịch vụ vì nguyên nhân bất khả kháng. Việc hoàn tiền không đồng nhất, dựa trên chính sách của từng khách sạn dẫn đến nhiều tranh cãi không cần thiết”, ông Đạt nói.
Theo ông, nếu thống nhất không hoàn lại tiền, có thể hoãn thời gian sử dụng các dịch vụ đến 31/12 năm nay vì doanh nghiệp đã giải quyết cho khách rồi.
Bên cạnh đó, đại diện AZA Travel đề xuất Chính phủ, TP Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ cho du khách, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
“Đợt dịch trước đã làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Giờ đang trong quá trình hồi phục, nếu du lịch đóng băng thì số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, phá sản có thể lớn hơn nhiều vì nguồn lực đã yếu, cạn kiệt”, ông Đạt lo lắng.
Đà Nẵng tạm dừng lễ hội và đóng cửa các khu du lịch. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, từ khi Đà Nẵng có bệnh nhân mắc Covid-19, Sở Du lịch Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ sở lưu trú, các khu danh lam thắng cảnh triển khai các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho khách và cộng đồng.
Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, đàm phán với các cơ sở lưu trú, đề xuất thiết lập cơ sở lưu trú là cơ sở cách ly tập trung đối với người nước ngoài nhập cảnh tại TP Đà Nẵng.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đang thực hiện chương trình du lịch, Sở Du lịch yêu cầu chủ các cơ sở tiếp tục phục vụ chu đáo khách cho đến khi kết thúc hành trình.
Thống kê của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết TP đón trung bình khoảng 25.000 lượt khách mỗi ngày trong mùa cao điểm du lịch hè. Tính đến đầu tháng 7, tức 1 tháng sau khi triển khai chương trình kích cầu du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn TP đón khoảng 191.000 lượt khách.
(Theo Zing)