TIN BÀI KHÁC:
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Theo trang World Tribube, trên mạng xã hội Facebook, không ít người Iraq đã thay ảnh đại diện của họ bằng chân dung "Putin người Shiite".
"Chúng ta nên trao cho Putin quyền công dân Iraq và Syria, bởi vì ông ấy yêu quý chúng ta hơn cả các chính trị gia của chúng ta", một sinh viên tên là Mohammed al-Bahadli ở thành phố Najaf nêu ý kiến.
Ali al-Rammahi, một tài xế taxi, nói rằng Tổng thống Nga là lý do duy nhất khiến anh không chạy sang châu Âu lánh nạn.
"Tôi cảm ơn Putin vì ông đã thuyết phục được tôi ở lại Iraq... Hajji Putin tốt hơn Hussein Obama", al-Rammahi bình luận, dùng các danh hiệu được trao cho những người Hồi giáo từng hành hương tới thánh địa Mecca.
Sau khi Putin quyết định gia tăng các hành động tấn công khủng bố tại Syria, người Iraq giờ đây chuyển hướng sang trông ngóng Putin thay thế cho những gì họ gọi là một liên minh "vô tích sự" do Mỹ đứng đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Tôi mong chờ Nga tham gia vào cuộc chiến chống lại Daesh (tên gọi khác của IS)" - một họa sĩ ở Baghdad tên là Karim Nihaya bày tỏ. "Họ mang lại kết quả. Mỹ và các đồng minh đã ném bom cả năm nay mà chẳng đạt được gì".
Và theo giới quan sát, rất ít người Iraq cho rằng chiến dịch không kích của Nga ở Syria không nhằm vào IS.
"Chúng tôi không muốn một liên minh quốc tế, chúng tôi chỉ muốn Nga. Và chúng tôi sẽ xẻ thịt cừu để nghênh đón họ", một thanh niên trẻ Iraq đang sống tại Baghdad bày tỏ.
"Người Hồi giáo bỏ bom chúng tôi bởi chúng tôi là người Rafidha", Saad Abdullah, chủ một cửa hiệu tiện ích ở Najaf, nói. "Rafidha" có nghĩa "những kẻ bị loại". Các chiến binh IS dùng từ này để gọi người Shiite.
"Trong khi đó ông Putin, một người Chính thống giáo, lại đang bảo vệ chúng tôi... Biết đâu ông ấy thực sự là một người Shiite và chúng tôi không hề biết điều đó", Saad Abdullah nói thêm.
Đến nay, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi - người được phương Tây hậu thuẫn – vẫn chưa đề nghị Nga giúp đỡ ở Iraq, nhưng ông cũng cho biết không loại trừ khả năng này.
Thanh Hảo