Tháng 11 tới đây, phiên đối thoại Nhân quyền ASEAN lần thứ 5 sẽ bao gồm các cuộc thảo luận chuyên đề về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bảo vệ nhà báo, quyền của lao động nhập cư, quyền của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, bình đẳng giới, môi trường và biến đổi khí hậu, bạo lực tình dục trực tuyến đối với trẻ em, tin giả và thông tin sai lệch, các mục tiêu phát triển bền vững...
Việt Nam thời gian qua là thành viên chủ động, tích cực và nỗ lực trong thúc đẩy quyền con người. Sau hơn 35 năm đổi mới, đời sống của đại bộ phận người dân Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt với sự liên tục cải thiện các chỉ số quan trọng liên quan đến con người như chỉ số phát triển con người (HDI) (Việt Nam hiện xếp thứ 115/191 quốc gia), chỉ số bất bình đẳng giới (GII), tuổi thọ bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người...
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs). Theo xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2020 về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam xếp thứ 51/193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, đạt thành tích cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Thông qua các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Việc bảo đảm quyền sống còn được quan tâm về khía cạnh kinh tế, xã hội thông qua việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh; thực hiện các biện pháp cứu trợ khẩn cấp đối với những vùng chịu thiệt hại nặng do thiên tai. Bên cạnh đó, tiếp tục có cơ chế, biện pháp bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các quyền tự do, dân chủ của công dân.
Nhờ đường lối đúng đắn được xác định trong các nghị quyết và văn kiện của Đảng về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp trong suốt 15 năm qua với mục tiêu bảo vệ công lý, quyền con người, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt, giam, giữ, cải tạo được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn, hạn chế được oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa: Các chương trình, mục tiêu, chính sách quốc gia được xây dựng, củng cố và tăng cường bảo đảm giảm nghèo bền vững, quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; an sinh xã hội, quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa... được tăng cường và bảo đảm thực hiện tốt hơn.
Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội đã được phát triển thành mạng lưới an sinh xã hội, không ngừng mở rộng diện bao phủ các đối tượng an sinh xã hội và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng an sinh xã hội. Diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh qua từng năm.
Bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS... luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình thực thi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trên thực tế quyền của các nhóm này đã đạt được nhiều kết quả tích cực xét theo các tiêu chí, như chống phân biệt đối xử; tăng cường mức độ sẵn có của các dịch vụ; khả năng tiếp cận bình đẳng và chất lượng các dịch vụ, cơ hội; mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội; chi phí phù hợp... Đối với học sinh dân tộc thiểu số, từ năm học 2017-2018, đã có 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số (715 trường); 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; 6 bộ sách giáo khoa được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số...