Trong hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức, sự gắn kết giữa Chính phủ và doanh nghiệp thể hiện qua việc hai bên cùng đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề kép, cùng xây dựng chuẩn đào tạo và tổ chức kiểm tra đánh giá người học.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo, Chính phủ còn đầu tư vào các trung tâm để đào tạo bổ sung cho các nội dung doanh nghiệp không đủ năng lực đào tạo.

Sự gắn kết này, theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) sẽ đảm bảo đào tạo sát thực tiễn.

Chính phủ muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng, lại tiết kiệm chi phí tuyển dụng và không phải đào tạo lại. Mặt khác, doanh nghiệp lại thu được lợi từ sự đóng góp của người học trong quá trình đào tạo và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Từ đó, bà Hiền cho rằng, giá trị tham khảo đối với Việt Nam là đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối với doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong đào tạo nghề, đẩy mạnh việc doanh nghiệp tham gia trực tiếp đào tạo, khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động.

Thực tế, phần lớn học sinh tại các trường nghề của Việt Nam hiện nay phải đợi đến kỳ học cuối mới được trải nghiệm và thực tập tại doanh nghiệp. Như vậy thời lượng đào tạo tại môi trường làm việc thực tế chỉ chiếm khoảng 20% chương trình đào tạo.

“Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn, sớm hơn tại doanh nghiệp. Cần tạo môi trường thực hành tại trường như môi trường làm việc tại doanh nghiệp, từ việc bố trí nhà xưởng, thiết bị, các yêu cầu về vệ sinh an toàn lao động, tác phong công nghiệp đến việc hướng dẫn, giảm sát, đánh giá kết quả thực hành đối với người học”, bà Hiền nói.

{keywords}

Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn, sớm hơn tại doanh nghiệp.

Ở CHLB Đức, người dạy trong doanh nghiệp và giáo viên trường nghề được coi là “xương sống” trong hệ thống đào tạo nghề quốc gia. Tất cả đều phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về bằng cấp, chuyên môn nghề, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tế tại nơi làm việc.

Khi yêu cầu đối với giáo viên dạy nghề của Việt Nam chưa cao như CHLB Đức, bà Hiền cho rằng cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt về kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành và trải nghiệm thực tế tại nơi làm việc.

“Riêng đối với kỹ năng sư phạm, Nhà nước cần nghiên cứu, chỉnh sửa quy định yêu cầu tất cả người dạy bao gồm người dạy mời từ doanh nghiệp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Quy định này đã cản trở cơ sở GDNN huy động doanh nghiệp tham gia giảng dạy, trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng thực tế tại nơi làm việc cho người học”.

Một điểm đáng lưu ý nữa là giáo viên trường nghề ở CHLB Đức phải đạt trình độ cao mới được giảng dạy nhưng bù lại họ lại được hưởng chế độ đãi ngộ như công chức nhà nước. Vì vậy, đi đôi với yêu cầu cao về trình độ, năng lực của giáo viên dạy nghề, theo bà Hiền, Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ tương thích để giáo viên có động lực cống hiến, đóng góp cho đào tạo nghề.

"Thành công của hệ thống đào tạo nghề của CHLB Đức có giá trị tham khảo rất lớn với Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện bài toán cung - cầu đào tạo ở Việt Nam ‘hóc búa’ hơn rất nhiều so với CHLB Đức do hiện có rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia đào tạo nghề", bà Hiền nói.

Do đó, bà khuyến nghị Chính phủ cần sớm ban hành hệ thống các chỉ số cơ bản thống kê, phân tích trong lĩnh vực GDNN và phát triển hệ thống thông tin GDNN từ cấp cơ sở tới cơ quan quản lý các cấp. Hệ thống thông tin thị trường lao động cũng cần được đầu tư, phát triển.

Ngoài ra, chế định Hợp đồng học nghề và dạy nghề được ký giữa doanh nghiệp và người học đối với việc triển khai đào tạo tại doanh nghiệp cần đảm bảo được quyền lợi cũng như nâng cao trách nhiệm của cả 2 bên về dạy và học.

Trường Giang

1,32 triệu người học “nghề kép” tại Đức mỗi năm

1,32 triệu người học “nghề kép” tại Đức mỗi năm

 - Trong hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức, người học được đào tạo khoảng 70% thời gian tại nơi làm việc và 30% còn lại ở các trường nghề.